Tháng 11-1986, Trương Mỹ Hoa đang làm Bí thư quận Tân Bình ở Thành Hồ được đặc cách lên chức Ủy viên dự khuyết trung ương đảng và Phó chủ tịch Hội phụ nữ. Hoa là chị vợ của Lê Thanh Hải, Hải cũng làm việc ở quận Tân Bình một thời gian. Năm 1990, Hải được làm Bí thư quận 5, nơi Trương Mỹ Lan đang buôn bán.
Sau khi kết nghĩa với vợ của Hải, kết thân với gia đình cơ sở nằm vùng bà Sáu Hòa, Lan thành lập công ty Vạn Thịnh Phát vào năm 1992 ở quận 5 để kinh doanh về nhà hàng và khách sạn. Nhưng trong giai đoạn này công ty không kinh doanh gì nhiều.
Năm 2002, Hoa lên chức Phó chủ tịch nước. Năm 2006, Hải được vào Bộ chính trị và làm Bí thư thành Hồ. Một năm sau, Lan thành lập Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) để kinh doanh bất động sản, cao ốc văn phòng và căn hộ. Lan sở hữu 80% cổ phần của VTP. Đây là lúc VTP bắt đầu hoạt động mạnh.
Tập đoàn VTP mở ra nhiều công ty con như Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment) vốn 12.800 tỉ đồng, Đầu tư An Đông vốn 9.000 tỉ đồng, Phát triển hạ tầng và bất động sản (VIPD) vốn 11.000 tỉ đồng, Sài Gòn Peninsula vốn 18.000 tỉ đồng, v.v. VTP cũng tiến hành nhiều dự án như Times Square, Union Square (đã mua với giá 10.000 tỉ đồng vào năm 2013), Thuận Kiều Plaza, Saigon Peninsula rộng 118 ha, Sherwood Residence, v.v.
Việt Nam bây giờ có những công ty "tư nhân" lớn với số vốn mấy chục ngàn tỉ đồng (tương đương mấy tỉ USD), giống như nền kinh tế thị trường, nhưng với định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)! Cái đuôi XHCN không đơn giản chỉ là cái tên, nó là một chính sách với nhiều chi tiết. Đảng cộng sản (CS) Liên Xô soạn thảo nó trong giai đoạn đổi mới của Gorbachev khi họ muốn cổ phần hóa các công ty nhà nước. Đảng CS Trung Quốc bổ sung thêm khi nền kinh tế tư nhân bùng nổ ở Trung Hoa. Đảng CS Việt Nam được 2 đàn anh truyền lại và đem về áp dụng.
Trình bày và phân tích cái đuôi XHCN cần một bài viết dài, sau đây là vài điểm liên quan đến quyền lợi của đảng CS trong nền kinh tế thị trường:
o Khi cổ phần hóa các công ty nhà nước, những người có nhiều cổ phần phải là người của đảng.
o Các công ty tư nhân trong nước chỉ được phát triển tới một giới hạn (thí dụ 20 tỉ đồng). Người chủ và người có nhiều cổ phần (gọi chung là người chủ) có thể được sắp xếp trở thành đảng viên để công ty được phép phát triển lớn hơn. Đảng viên phải tuân theo kỷ luật của đảng.
o Trong mỗi công ty lớn có một chi bộ đảng. Chi bộ công ty theo dõi các hoạt động và báo cáo về Khối doanh nghiệp của đảng. Chi bộ công ty cũng truyền đạt các ý muốn của trung ương tới công ty.
o Người chủ sinh hoạt trong chi bộ công ty, phải tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phải làm theo quyết định của đa số.
o Đảng có quyền điều động đảng viên trong chi bộ công ty sang sinh hoạt ở nơi khác và ngược lại (đây là một kỹ thuật để trung ương tạo ra thế đa số trong chi bộ).
o Danh tính đảng viên của người chủ có thể được giấu kín để không gây khó khăn khi làm ăn với các công ty nước ngoài.
Bên Trung Quốc, người chủ Alibaba Mã Vân (Jack Ma), người chủ Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) là đảng viên CS. Ở Việt Nam, người chủ các công ty lớn như Vingroup, Sungroup, FLC, Him Lam, Mường Thanh cũng là đảng viên CS. Vạn Thịnh Phát cũng giống như vậy. Đảng CS có chi bộ trong VTP ngay từ đầu, họ biết các hoạt động của VTP trong 15 năm qua và đã cho giấy khen mấy lần.
Trước năm 2007, VTP kinh doanh chút ít, không làm ra nhiều tiền. Sau năm 2007, VTP mua nhiều dự án lớn, chi phí lên đến mấy chục ngàn tỉ đồng. Số tiền to lớn đó từ đâu ra? Có lẽ từ các lãnh đạo đảng ta? Có lẽ từ các lãnh đạo đảng bạn phía Bắc? Các ngân hàng thực hiện các giao dịch tiền bạc nên biết nó từ đâu tới nhưng giấu không cho dân biết.
Tháng 9-2018, công ty Đầu tư An Đông của VTP phát hành 2 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm trị giá 15.000 tỉ đồng. Tháng 1-2019, họ phát hành thêm 1 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm trị giá 10.000 tỉ đồng. Hơn 3 năm trôi qua, VTP trả lãi bình thường, không ai lo lắng gì.
Tài sản của VTP rất lớn, cộng thêm 25.000 tỉ đồng của người dân mua trái phiếu, nhiều người thèm muốn. Một tháng trước đại hội 20 đảng CS Trung Quốc, Tập Cận Bình đè bẹp các phe khác trong đảng, kể cả nhóm có liên hệ với VTP. Ngày 23-9-2022, Nguyễn Phú Trọng bay vào Sài Gòn cùng với Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Tổ chức, phát lệnh xẻ thịt Vạn Thịnh Phát.
Ngày 8-10-2022, bà Lan bị bắt với cáo buộc "gian dối trong việc mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân". Khi bà Lan bị bắt, 3 lô trái phiếu chưa đến kỳ hạn trả tiền, hành vi chiếm đoạt chưa xảy ra, cáo buộc như vậy là áp đặt, là để che đậy một âm mưu khác.
Trần Bắc Hà là Tổng giám đốc, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV, bank for investment and development). Hà cũng là Bí thư đảng bộ ngân hàng BIDV. Tháng 9-2016, Hà về hưu. Tài sản của gia đình Hà ở Bình Định và bên Lào lên đến mấy ngàn tỉ đồng, làm cho nhiều người thèm muốn. Tháng 11-2018, Hà bị bắt về tội tham nhũng, 7 tháng sau Hà bị chết trong tù. Tài sản của gia đình Hà bị các công ty sân sau của các lãnh đạo thâu mua với giá rẻ. Hai năm sau, không rõ vì uất ức hay lý do gì, vợ của Hà qua đời vào tháng 11-2021.
Vở bi kịch của Trần Bắc Hà được diễn lại với Vạn Thịnh Phát. Lần này là một mũi tên bắn 2 con chim: tài sản to lớn của VTP và 25.000 tỉ đồng của 40.000 người dân mua trái phiếu An Đông.
Giống như những công ty lớn khác, ban quản trị của VTP có nhiều đảng viên CS, họ cũng móc ngoặc với một số lãnh đạo đảng, có người mang huy hiệu 50 tuổi đảng. Thời thế thay đổi, thế lực của VTP không mạnh như trước, tài sản của VTP lại rất lớn, lòng tham thúc đẩy các đồng chí ở phe mạnh bắt các đồng chí ở phe yếu vào tù, tài sản của VTP sẽ bị các công ty sân sau của phe mạnh thâu mua với giá rẻ để sau này bán lại có lời nhiều. Thí dụ, một dự án trị giá 200 tỉ đồng, 3 năm sau nó trị giá 220 tỉ đồng, bán lại sẽ có lời 20 tỉ đồng. Nếu thâu mua với giá rẻ 50 tỉ đồng, 3 năm sau bán lại với giá 220 tỉ đồng thì có lời 170 tỉ đồng.
Nếu tài sản của VTP được bán đúng giá, sau khi trả các khoản nợ, lương nhân viên, các chi phí, cũng còn một số tiền trả cho những người mua trái phiếu, nhưng bán đúng giá thì các công ty mua nó sẽ không thâu được nhiều lợi. Nếu tài sản của VTP được bán rẻ thì các công ty mua nó sẽ thâu được nhiều lợi, nhưng bán rẻ thì số tiền đó không đủ để trả các khoản nợ, lương nhân viên, các chi phí, đến phiên trái phiếu thì không còn tiền, 40.000 người dân mua trái phiếu An Đông xem như mất tiền.
Ở các quốc gia khác, những người mua trái phiếu có thể thành lập một nhóm, một hội để trao đổi thông tin, có quyền thuê luật sư bảo vệ quyền lợi của mình. Luật sư có thể tìm hiểu giá trị tài sản của công ty, theo dõi việc bán tài sản công ty theo đúng giá thị trường, đảm bảo số tiền thâu được sẽ chi trả theo đúng thứ tự.
Ở Việt Nam (VN), thời gian đầu có vài cuộc tập họp của một số trái chủ ở Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, bày tỏ sự lo lắng cho tiền bạc của mình. Một số người bị bắt giữ tại chỗ, một số người bị công an tới nhà hăm dọa, nên sau đó không thấy người nào tập họp nữa. Tập họp ôn hòa, về vấn đề tài chánh, không chống đối ai, cũng bị cấm. Đây là một thí dụ cho thấy người dân Việt Nam không có tự do trong chế độ cộng sản.
Đảng CS độc quyền cai trị đất nước mấy chục năm đã không xây dựng được một hệ thống pháp luật minh bạch và công bằng. 40.000 người dân mua trái phiếu An Đông có thể bị mất trắng nhưng hệ thống pháp luật VN không tạo điều kiện cho luật sư vào cuộc giúp đỡ các trái chủ. Luật sư ở Việt Nam cũng không được tiếp cận hồ sơ vụ án, không biết tài sản của VTP gồm có những gì, sẽ được bán ra sao, có đúng giá thị trường không, hay là bị bán rẻ để các công ty sân sau của lãnh đạo hưởng lợi.
Người dân làm việc cực nhọc để có tiền cho gia đình. Bây giờ bị mất tiền mà chỉ được phép ngồi chờ đợi, người ta trả lại 10.000 đồng cũng phải chấp nhận, người ta không trả đồng nào cũng phải chấp nhận. Người dân không có quyền đòi hỏi quyền lợi, không có quyền tiến hành các thủ tục pháp lý để lấy lại tiền, không có quyền phê bình xã hội bất công, không có quyền nói ra những khuyết điểm của đảng cầm quyền. Người dân sống trong chế độ cộng sản bị thiệt thòi quá nhiều.
Trần Mai Trung
Tháng 2-2023