24 April 2024

Người thương binh cô đơn

Chiến tranh tàn phá đất nước, tàn phá con người. Một trong những hậu quả xấu xí của chiến tranh là hàng triệu người bị thương tật vì bom đạn. Những kẻ bắt đầu chiến tranh, mặc dù núp sau cái khẩu hiệu giải phóng miền Nam hoặc thống nhất đất nước, chính là thủ phạm khởi đầu các sự tàn phá.

Khi có chiến tranh, các chính phủ thường ra luật Nghĩa vụ quân sự, ở Miền Nam gọi là luật Quân dịch, các thanh niên phải gia nhập quân đội khi bị gọi tên. Người thanh niên đi thi hành nghĩa vụ quân sự theo luật pháp thì chính quyền cũng có nghĩa vụ cung cấp lương thực cho người lính, cung cấp thuốc men cho người bị thương.

Trong chiến tranh Việt Nam 1954-1975, hàng triệu thanh niên Miền Nam đã thi hành luật Quân dịch, gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bảo vệ Miền Nam. Chính sách Người cày có ruộng và sự giúp đỡ của Hoa Kỳ làm cho Miền Nam có nhiều lúa gạo và hàng tiêu dùng. Chính quyền và quân đội VNCH cung cấp đầy đủ lương thực cho người lính, không có tình trạng thiếu ăn trong quân đội, người chiến sĩ yên tâm chiến đấu. Chính quyền và quân đội VNCH làm tròn nghĩa vụ cung cấp lương thực cho người lính.

Cùng lúc đó, hàng triệu thanh niên Miền Bắc đã thi hành luật Nghĩa vụ quân sự, gia nhập quân đội Nhân Dân (QĐND) đi giải phóng Miền Nam. Các hợp tác xã của đảng cộng sản chiếm hữu tất cả ruộng đất nhưng sản xuất yếu kém, Liên Xô và Trung Quốc thì giúp súng đạn nhiều hơn các mặt hàng khác làm cho Miền Bắc thiếu thốn lúa gạo và hàng tiêu dùng. Đảng và chính quyền Miền Bắc không cung cấp đầy đủ lương thực cho người lính, tình trạng thiếu ăn đã xãy ra, nhiều bộ đội chỉ được ăn một nắm cơm vào buổi trưa. Đảng và chính quyền cộng sản không làm tròn nghĩa vụ cung cấp lương thực cho người lính.

Không có đủ lương thực cho người dân và binh sĩ, không lo sản xuất mà lại đòi đi giải phóng người khác! Rồi bắt người ta cũng bị nghèo đói như họ. Trong 20 năm chiến tranh, cả Miền Bắc không tặng cho người dân Miền Nam được 1 kg gạo. Nói ra cũng tội nghiệp, lính của họ còn bị đói thì làm gì có gạo cho người dân phía bên kia.

Trong các trận đánh, thông thường số binh sĩ bị thương nhiều hơn số binh sĩ bị tử trận. Các binh sĩ bị thương được đồng đội đưa về bệnh viện cứu chữa. Sau khi được chữa trị, những người bị thương nhẹ có thể sinh hoạt trở lại như trước. Những người bị thương nặng, bị mất một phần thân thể, phải rời quân đội và trở về đời sống dân sự.

Chính quyền và quân đội VNCH xem trọng nghĩa vụ cung cấp thuốc men cho người bị thương. Mỗi sư đoàn tác chiến có một tiểu đoàn Quân Y lo việc cứu thương. Quân đội VNCH cũng xây dựng hơn 10 Quân y viện tại các thành phố để chữa trị cho những người bị thương nặng. Sau mỗi trận đánh, các binh sĩ bị thương và tử trận được đưa về hậu cứ đầu tiên rồi mới đến các cấp chỉ huy và binh sĩ còn lại. Các quân y viện được trang bị đầy đủ nên đa số thương binh về đó là được cứu sống. Chính quyền và quân đội VNCH làm tròn nghĩa vụ cung cấp thuốc men cho người bị thương.

Bên cạnh các trách nhiệm trong quân đội, Quân Y VNCH và Hoa Kỳ cũng tổ chức các đoàn y tế đi tới các làng xã xa xôi để khám bệnh, phát thuốc, chữa răng miễn phí cho người dân. Hải quân VNCH cũng có tàu bệnh viện đi nhiều nơi cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho đồng bào.

Đảng và chính quyền Miền Bắc đưa hàng triệu thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự vào đánh Miền Nam. Họ giấu giếm cách tổ chức đoàn quân nên không rõ có bao nhiêu bác sĩ, y tá được đào tạo và đi theo phục vụ y tế cho đoàn quân to lớn đó. Cho đến năm 1968, đi từ Bắc vào Nam qua rừng núi Trường Sơn chủ yếu là đi bộ, mất khoảng 3 đến 5 tháng. Theo các báo cáo từ đường Trường Sơn thì nhiều cán binh QĐND bị chết vì bệnh sốt rét và vì suy kiệt thân thể do đường đi gian khổ mà lại thiếu lương thực. Đưa binh sĩ đi mấy tháng trời qua vùng rừng núi có nhiều muỗi gây bệnh sốt rét mà không chuẩn bị đầy đủ thuốc men và lương thực là việc làm vô trách nhiệm, coi thường tính mạng người lính.

Theo hồi ký của các cán binh QĐND Miền Bắc thì một số bệnh xá được tổ chức trong rừng để chăm sóc thương bệnh binh. Bước vào bệnh xá thì thấy trang bị sơ sài, thiếu thuốc men, thuốc khử trùng, thuốc gây mê, thiếu máu. Hàng trăm ngàn thương binh được đưa về các bệnh xá, nhiều cuộc giải phẩu đã tiến hành không có thuốc gây mê, làm cho người thương binh đau đớn. Đã diễn ra nhiều buổi thảo luận có nên giải phẩu người thương binh hay không vì thiếu máu. Họ cũng ca ngợi hành động anh hùng của người y tá truyền máu của mình cho thương binh. Nhưng đó không phải là cách hoạt động của một bệnh xá bình thường, bệnh xá không thể hoạt động bằng máu của các y tá làm việc tại đó. Kết quả là nhiều người bị thương đã chết ở bệnh xá vì vết thương không được cứu chữa đàng hoàng. Đảng và chính quyền cộng sản không làm tròn nghĩa vụ cung cấp thuốc men cho người bị thương.

Hàng triệu cán binh QĐND Miền Bắc đi vào giải phóng Miền Nam, đem theo nhiều súng đạn như AK-47, B40 nhưng lại ít thuốc men và dụng cụ y tế. Số thuốc men đó dùng cho họ còn bị thiếu cho nên trong 20 năm chiến tranh, QĐND không tặng cho người dân Miền Nam được 1 viên thuốc.

Trong chiến tranh Triều Tiên (Hàn Quốc) 1950-1953, Hoa Kỳ đưa quân đội vào giúp Nam Hàn và Trung Quốc đưa quân đỏ (danh từ Hán-Việt là hồng quân) vào giúp Bắc Hàn. Sau 3 năm, quân đội Hoa Kỳ có 34 ngàn người tử trận, 100 ngàn bị thương, 3 ngàn bị chết vì vết thương hoặc bệnh. Quân đỏ Trung Quốc có 114 ngàn người tử trận, 340 ngàn bị thương, 70 ngàn bị chết vì vết thương hoặc bệnh (*). Tính ra trong số những người hi sinh, Hoa Kỳ có 8% bị chết vì vết thương hoặc bệnh, Trung Quốc có 38% bị chết vì vết thương hoặc bệnh.

Trong chiến tranh Việt Nam, quân đội VNCH ở Miền Nam có 300 ngàn người bị chết, hơn 1 triệu bị thương. QĐND Miền Bắc có 1 triệu người bị chết hoặc mất tích, 600 ngàn bị thương. Số người bị chết nhiều hơn số người bị thương là một sự bất thường. Tương tự với tỉ lệ thương vong của quân đỏ Trung Quốc ở Triều Tiên thì trong số 1 triệu cán binh QĐND bị chết có khoảng 300 ngàn người bị chết vì vết thương hoặc bệnh không được cứu chữa. Ai là thủ phạm của 300 ngàn cái chết này ?

Ngày 30-4-1975, QĐND làm chủ Sài Gòn. Hai ngày sau, các cán binh QĐND xua đuổi tất cả thương binh VNCH ra khỏi Tổng y viện Cộng Hòa để giành chổ cho thương binh QĐND. Các quân y viện do quân đội VNCH xây dựng thuộc về chủ mới, từ giải phóng biến thành cướp đoạt. Khi ta thấy một người bị thương, ta đem người ấy vào bệnh viện cứu chữa. Ở đây, người bị thương đang nằm trên giường bệnh lại bị đuổi ra khỏi bệnh viện, đó là một hành động tàn ác.

Đảng cộng sản kêu gọi người Việt ở nước ngoài khép lại quá khứ hướng tới tương lai, nhưng đảng cộng sản có khép lại quá khứ hướng tới tương lai với thương binh VNCH đang sống trong nước hay không? Trong khi thương binh Miền Bắc có sự trợ cấp từ tiền thuế của dân, bao gồm người dân Miền Nam, thì thương binh Miền Nam không có sự trợ cấp đó. Tại sao lại phân biệt quá khứ?

Từ khi chính quyền và quân đội VNCH không còn, không có ai đứng ra bênh vực người thương binh VNCH, các bạn sống trong khó khăn và cô đơn. Một số tổ chức từ thiện đã tổ chức gặp mặt và giúp đỡ các thương phế binh, chính quyền cộng sản lại đến quậy phá, gây khó khăn, bắt các thiện nguyện viên về đồn công an, hăm dọa người thương phế binh không được nhận quà. Những hành động này cho thấy người cộng sản hẹp hòi và hạ cấp, đi ăn hiếp người bị thương tật.

Đảng cộng sản kêu gọi người khác khép lại quá khứ nhưng chính họ lại không khép lại quá khứ. Các chính sách của nhà cầm quyền cộng sản ngày hôm nay, từ chính trị, kinh tế đến giáo dục, xã hội, vẫn có các điều khoản phân biệt quá khứ. Một số trường hợp bất công hơn nữa là phân biệt đối xử dựa vào quá khứ của cả cha mẹ, ông bà. Đảng cộng sản đã và đang vi phạm Điều 16 trong Hiến pháp và Khoản 1 Điều 3 trong Bộ luật Dân sự, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử.

Trần Mai Trung
Tháng 4-2024

(*) Theo báo cáo của quân đỏ Trung Quốc vào năm 2010.

Người thương binh cô đơn

Chiến tranh tàn phá đất nước, tàn phá con người. Một trong những hậu quả xấu xí của chiến tranh là hàng triệu người bị ...