19 December 2023

Bốn tốt và bốn xấu

Tập Cận Bình sang thăm Hà Nội vào giữa tháng 12-2023, nhiều lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã tới gặp Tập. Từ Tổng bí thư Trọng, Chủ tịch Thưởng đến Thủ tướng Chính, Chủ tịch quốc hội Huệ đều cười nói vui vẻ với Tập, ca ngợi quan hệ hai nước tốt đẹp. Sau 2 ngày thăm Hà Nội, Tập nói rằng chuyến công du này là đỉnh cao thành công.

Ông Tập nói không sai, trong 2 ngày đó không nghe ai nói quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đã và đang có những vấn đề. Trọng, Thưởng, Chính, Huệ không than phiền là 5 năm nay Việt Nam bị mất quyền khai thác dầu khí tại Bãi Tư Chính trên thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, không than phiền là từ năm 2016 mấy triệu nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán mấy lần vì 11 đập thủy điện chận nước ở thượng nguồn, không than phiền dự án mở rộng nhà máy thép Thái Nguyên với tổng thầu MCC Trung Quốc vào năm 2007 bị đội vốn từ 4.000 tỉ đồng lên 8.100 tỉ đồng và đến hôm nay vẫn chưa làm xong.

Không những các lãnh đạo không than phiền mà 800 cơ quan truyền thông của đảng và nhà nước cũng không than phiền các vấn đề do Trung Quốc gây ra cho Việt Nam, chỉ thấy những lời tung hô có cánh về 4 tốt. Bởi vậy ông Tập tự tin nói rằng chuyến công du này là đỉnh cao thành công.

Phải công nhận ông Tập biểu diễn rất khéo, đã vẽ ra hình ảnh một lãnh tụ thong thả, chậm rãi, trái ngược với thái độ hung hăng của các quan chức ngoại giao Trung Quốc khi nói về đường lưỡi bò 9 đoạn và quyền lợi của họ ở Biển Đông.

Những lời tuyên truyền quan hệ hai nước là 4 tốt cũng tương phản với những hành động thực tế của 4 xấu (*).

Đầu tháng 7-2017, công ty Repsol của Tây Ban Nha tiến hành khoan dầu ở lô 136-03 tại Bãi Tư Chính trên thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông. Cuối tháng 7-2017, chính phủ Việt Nam ra lệnh ngừng dự án và chấp nhận bồi thường. Tháng 3-2018, Repsol dự định khoan dầu ở lô 07-03 (Cá rồng đỏ) thì chính phủ Việt Nam ra lệnh ngừng dự án và chấp nhận bồi thường. Lý do của 2 lần ngừng dự án là chính phủ Trung Quốc đe dọa tấn công các hải đảo Việt Nam nếu tiếp tục. Sẳn sàng đánh nhau để giành quyền lợi kinh tế là hành động của đồng chí xấu.

Tháng 4-2020, giàn khoan của Noble Corp. đến Vũng Tàu, dự định sẽ ra khoan dầu khí ở lô 06-01 theo hợp đồng với công ty Rosneft của nước Nga. Tháng 7-2020, Rosneft hủy hợp đồng khoan với Noble Corp. do sức ép từ chính phủ Trung Quốc. Tháng 9-2021, Rosneft rút vốn hoàn toàn ra khỏi các dự án ở Việt Nam. Đầu tháng 2-2022, Rosneft ký hợp đồng cung cấp 100 triệu tấn dầu trong 10 năm cho Trung Quốc với giá 80 tỉ USD. Rosneft đã bỏ rơi cô gái Việt Nam ốm yếu và nắm tay cô gái Trung Quốc mập mạp. Giành giựt bạn hàng của nhau là hành động của bạn bè xấu.

Từ khi Trung Quốc xây các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong thì đồng bằng sông Cửu Long hay bị hạn hán, tồi tệ nhất là các năm 2016, 2020. Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị nước mặn từ biển tràn vào nhiều hơn vì lượng nước từ thượng nguồn chảy xuống ít hơn trước. Những khi đó, Việt Nam kêu gọi các đập thủy điện của Trung Quốc xả nước xuống hạ nguồn nhưng thường không được đáp ứng. Trung Quốc biện minh là các đập ở thượng nguồn không có trách nhiệm với mực nước ở hạ nguồn. Giữ nước cho riêng mình trong khi hàng xóm bị hạn hán là hành động của láng giềng xấu.

Năm 2007, Tổng công ty thép Việt Nam muốn mở rộng nhà máy thép Thái Nguyên. Vốn vay từ Trung Quốc nên họ chỉ định tổng thầu là công ty MCC. Số vốn ban đầu là 4.000 tỉ đồng, dự định hoàn thành trong 30 tháng. Đến năm 2012, MCC đội vốn lên 8.100 tỉ đồng. Đảng cộng sản (CS) tự cho độc quyền lãnh đạo toàn diện, đảng CS Việt Nam qua Đại sứ Trung Quốc nhờ đảng CS Trung Quốc dùng "ý chí chính trị" can thiệp nhưng không đi tới đâu. Bây giờ, 16 năm sau, dự án vẫn còn dang dở. Đấu thầu với giá thấp rồi đội vốn lên cao là hành động của đối tác xấu.

Mấy chục năm nay, các đảng cộng sản thường nói hay, nói đẹp nhưng hành động không đi đôi với lời nói. Muốn xây dựng niềm tin thì phải có hành động cụ thể. Thứ nhất, Trung Quốc công nhận chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển 200 dặm và thềm lục địa theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982. Thứ hai, Trung Quốc tham gia làm một thành viên có trách nhiệm trong Ủy ban quốc tế sông Mekong, thông báo đầy đủ các số liệu về nước đến các quốc gia nằm dọc theo dòng sông để kịp thời chuẩn bị tránh hạn hán hoặc lũ lụt, tham khảo các quốc gia liên quan trước khi xây đập chận nước hoặc đào kênh lấy nước của dòng sông. Đó là những hành động cần làm để có sự tin tưởng.

Trần Mai Trung
Tháng 12-2023

(*) 4 xấu: láng giềng xấu, bạn bè xấu, đồng chí xấu, đối tác xấu.

17 October 2023

Chỉ đạo từ Bắc Kinh

Một tháng trôi qua từ khi Tổng thống Biden đến Hà Nội. Thời gian tạm đủ dài để tìm hiểu Nguyễn Phú Trọng đã uống thuốc gì mà dám qua mặt Tập Cận Bình để nâng quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng cao nhất.

Mặc dù tham gia vào cuộc chiến Việt Nam ở 2 bên đối nghịch nhau, Tổng thống Richard Nixon của Hoa Kỳ và Chủ tịch Mao Trạch Đông của cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) lại bắt tay nhau ở Bắc Kinh vào năm 1972, vì quyền lợi của mỗi bên. Hoa Kỳ muốn chia rẽ khối cộng sản và muốn sử dụng nguồn nhân công giá rẻ ở Trung Quốc. Trung Cộng có xung đột biên giới với Liên Xô vào năm 1969 nên muốn có đồng minh để chống lại và muốn dựa vào Hoa Kỳ để phát triển kinh tế.

Hoa Kỳ và Trung Cộng thiết lập quan hệ ngoại giao vào đầu năm 1979. Một tháng sau, Trung Cộng cho nửa triệu lính tấn công qua Việt Nam với lý do cộng sản Việt Nam (Việt Cộng) đã cho 150 ngàn binh sĩ tấn công qua Campuchia và lật đổ chính quyền cộng sản Campuchia. Cuộc chiến biên giới phía Bắc kéo dài 1 tháng, làm cho 60 ngàn binh sĩ 2 bên bị chết, 70 ngàn bị thương.

Nhiều người đã chết vì chiến tranh với người đồng chí cộng sản ở bên kia biên giới, cộng sản 3 nước Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia thù ghét nhau. Nhưng 10 năm sau, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh của Việt Cộng và Tổng bí thư Giang Trạch Dân của Trung Cộng lại bắt tay nhau ở Thành Đô vào năm 1990, vì quyền lợi của mỗi bên. Trung Cộng có được thằng đàn em Việt Cộng, trước kia nó là đàn em của Liên Xô thì bây giờ là đàn em của Trung Cộng. Việt Cộng muốn nhảy sang dựa vào Trung Cộng để tiếp tục độc quyền cai trị nước Việt Nam khi thấy Liên Xô sắp tan rã.

Vào năm 1979, nhiều người dân Trung Quốc còn bị đói, không có đủ lương thực để ăn, đa số chỉ có vài bộ áo quần. Sau khi bắt tay với Hoa Kỳ, ngưng cung cấp súng đạn cho các đảng cộng sản ở Đông nam Á, thì Trung Quốc được nhiều công ty tư bản vào đầu tư, mở hãng xưởng, mua bán hàng hóa, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, nền kinh tế đi lên.

30 năm sau, sự cạnh tranh giữa các công ty tư bản đã biến Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, nhiều máy móc ở Âu Mỹ có các bộ phận được sản xuất ở Trung Quốc để giảm giá thành. Như một điều kỳ diệu, tổng sản lượng GDP của Trung Quốc vào năm 2010 là 6 ngàn tỉ USD, lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.

Bây giờ, các quốc gia đòi hỏi Trung Quốc phải hành xử như một cường quốc có trách nhiệm. Một lĩnh vực là cân bằng cán cân thương mại, năm 2010 Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ nhiều hơn mua từ Hoa Kỳ với chênh lệch 270 tỉ USD. Một lĩnh vực khác là công bằng trong kinh tế thị trường, Trung Quốc đã áp đặt các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Trung Quốc thì phải hợp tác và chuyển giao kỹ thuật cho công ty Trung Quốc. Một lĩnh vực nữa là phát minh khoa học và bản quyền, Trung Quốc bây giờ là cường quốc, nên có những phát minh để đóng góp với thế giới chứ không nên ăn cắp các phát minh của nước khác và sử dụng miễn phí.

10 năm trôi qua, tình trạng bất công vẫn không được cải thiện. Năm 2020, đại dịch Covid lan tràn khắp địa cầu. Mặc dù nó bắt đầu từ thành phố Vũ Hán nhưng chính quyền Trung Cộng không hợp tác với Tổ chức y tế thế giới để truy tìm nguồn gốc con virus hầu giúp ngăn chận đại dịch. Trung Cộng nghĩ rằng họ đã mạnh, muốn làm gì thì làm, không cần biết người dân trên thế giới bị thiệt hại nhiều như thế nào. 700 triệu người bị nhiễm bệnh và 7 triệu người bị chết vì Covid.

Đó là giọt nước làm tràn ly, các quốc gia đầu tư vào Trung Quốc quyết định phải chuyển chuỗi cung ứng sang các nước khác để không bị phụ thuộc vào một chế độ độc tài, tham lam và vô trách nhiệm. Có 2 nước thỏa mãn điều kiện về nhân lực là Việt Nam với 97 triệu dân và Indonesia với 270 triệu dân.

Lựa chọn đầu tiên là Việt Nam bởi vì nó có nhiều yếu tố giống Trung Quốc, mặc dù có yếu điểm là bị cai trị bởi một đảng độc tài. Các công ty tư bản đã tiếp cận và đặt vấn đề chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi, trước mắt là nó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân và lâu dài thì nó giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội chen chân vào những kỹ nghệ mới. Một số lãnh đạo Việt Cộng cũng vui vẻ vì thấy có tiền từ bên ngoài đổ vào.

Nhưng giành miếng bánh của đàn anh thì phải xem thái độ của đàn anh như thế nào? Nhìn qua lãnh đạo Trung Cộng thì thấy họ nhăn mặt, hầm hừ. Lãnh đạo Việt Cộng, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, sợ đàn anh nên ngồi yên, không dám nhúc nhích. Ngay cả khi Phó tổng thống Kamala Harris của Hoa Kỳ đến Hà Nội vào tháng 8-2021, mời gọi nâng quan hệ Mỹ-Việt lên cao 1 bậc là Đối tác chiến lược để có thêm các công ty Hoa Kỳ vào đầu tư ở Việt Nam thì Trọng và lãnh đạo Việt Cộng cũng không dám đáp ứng.

Thấy Việt Cộng không có can đảm thành lập dây chuyền sản xuất mới để thay thế Trung Cộng, các công ty tư bản quay sang Indonesia. Đó là lựa chọn thứ 2 bởi vì Indonesia có yếu điểm là một nước Hồi giáo và không có quan hệ ngoại giao với Do Thái. Tổng thống Joko Widodo là một người có tinh thần quốc gia mạnh mẽ, chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập và không nghiên về cường quốc nào. Indonesia nhận các đầu tư để có dây chuyền sản xuất mới nhưng không đưa ra các chương trình để thu hút và hỗ trợ nó, cho nên tiến trình chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đã diễn ra chậm chạp.

Thấy Việt Nam ngồi yên, thấy Indonesia chậm chạp, Trung Cộng tin rằng họ vẫn giữ được là công xưởng của thế giới. Một số người cho rằng các công ty tư bản đã đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc nên không thể bỏ đi trong một sớm một chiều.

Tháng 2-2022, Putin cho 200 ngàn quân tấn công qua Ukraine, Putin muốn thống nhất Ukraine với nước Nga bằng vũ lực. Không có gì quí hơn độc lập, nhân dân Ukraine đã cầm súng chống lại quân xâm lược Nga. Thế giới không chấp nhận việc thay đổi biên giới bằng vũ lực nên cắt đứt các buôn bán với nước Nga. Các nước phương Tây không mua hàng hóa của Nga và nước Nga không thể mua hàng hóa của phương Tây.

Nhiều người cho rằng nếu Putin đánh thắng Ukraine thì Trung Cộng sẽ theo đó đánh chiếm Đài Loan. Thế giới sẽ phản ứng ra sao nếu ngày mai Trung Cộng tấn công Đài Loan để thống nhất bằng vũ lực? Trung Cộng sẽ bị nhiều nước cắt đứt các buôn bán, Trung Cộng không thể mua hàng hóa của phương Tây và các nước phương Tây cũng không mua hàng hóa của Trung Cộng, chuỗi cung ứng xem như bị gián đoạn.

Việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trở thành khẩn cấp, các công ty tư bản tìm đến lựa chọn thứ 3 là Ấn Độ. Với một nền kinh tế khá cao, Ấn Độ dư sức thành lập chuỗi cung ứng mới thay thế Trung Cộng. Thủ tướng Narendra Modi là một người Hindu khuynh hữu, đã thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ, tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng cũng hạn chế một số quyền tự do của người dân.

Ấn Độ là một quốc gia trung lập, đứng giữa Nga và Mỹ. Mặc dù vậy, Ấn Độ cũng có chiến tranh với Pakistan vào những năm 1947, 1965, 1971, và có chiến tranh với Trung Cộng vào những năm 1962, 1967. Không ai biết 20 năm sau Ấn Độ có thể sẽ gây vấn đề cho thế giới như Trung Cộng ngày nay hay không ?

Mặc dù Modi vẫn đang buôn bán với Putin, nhưng vì quyền lợi của mỗi bên, Tổng thống Joe Biden của Hoa Kỳ đã đón tiếp Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ trong một buổi lễ hoành tráng ở Washington DC vào tháng 6-2023. Hai bên đã ký các thỏa thuận về năng lượng, chip bán dẫn và quốc phòng. Tiến trình chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Ấn Độ bắt đầu.

Phương Tây nghi ngại Ấn Độ một thì Trung Cộng nghi ngại Ấn Độ mười. Năm 1980, dân số Trung Quốc là 1 tỉ và dân số Ấn Độ là 700 triệu. Năm 2000, dân số Trung Quốc là 1,25 tỉ và dân số Ấn Độ là 1,05 tỉ. Năm 2020, dân số Trung Quốc là 1,425 tỉ và dân số Ấn Độ là 1,40 tỉ . Năm 2023, dân số 2 nước bằng nhau. Từ năm 2024 trở đi, Ấn Độ sẽ có dân số nhiều hơn Trung Quốc.

Với sự đầu tư của phương Tây, 20 năm sau Ấn Độ sẽ có nền kinh tế mạnh như Trung Quốc. Khi đó Ấn Độ lại có dân số nhiều hơn, nếu Trung Cộng và Ấn Độ có xung đột ở biên giới thì cán cân sẽ nghiên về bên nào? Mao Trạch Đông từng nói: tôi có thể hi sinh 10 triệu người, 20 triệu người (xem sinh mạng người dân như cỏ rác) nhưng tôi sẽ thắng vì đối thủ không thể làm như vậy. Câu thần chú đó không còn linh nghiệm.

Sự góp mặt của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, làm thay đổi bàn cờ. Trung Cộng chuyển qua kế hoạch B, chỉ đạo Việt Cộng liên lạc với Hoa Kỳ để chia bớt các đầu tư vào Ấn Độ. Việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam cũng là giải pháp gây thiệt hại ít nhất cho Trung Cộng. Có lãnh đạo Việt Cộng là đàn em nên Trung Cộng có thể can thiệp vào quá trình chuyển đổi. Các công ty Trung Cộng sẽ sang mở công ty ở Việt Nam, để cho vài đảng viên Việt Cộng đứng tên làm chủ nhưng dòng tiền là của Trung Cộng.

Nếu các công ty bắt đầu xây nhà máy ở Ấn Độ thì như đinh đã đóng cột, không thể thay đổi, cho nên kế hoạch B được tiến hành gấp gáp, phổ biến đến Tổng bí thư Trọng và một vài lãnh đạo đảng rồi trực tiếp thi hành. Không có thời giờ bàn bạc với bên chính phủ nên nhiều Bộ trưởng đã ngạc nhiên khi thấy quan hệ với Hoa Kỳ được nâng lên 2 bậc. Ban thường vụ Quốc Hội thì không biết gì cho đến ngày ông Biden tới Hà Nội.

Nguyễn Phú Trọng không dám qua mặt Tập Cận Bình, Trọng nâng quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng cao nhất theo chỉ đạo từ Bắc Kinh để giúp Trung Cộng bị thiệt hại ít nhất và làm Ấn Độ chậm trở thành một đối thủ ngang tầm với Trung Cộng.

Nhờ tình thế, Việt Nam được làm người trung gian hưởng lợi. Hai đảng cộng sản sẽ họp để phân chia cái bánh đầu tư đến từ phương Tây chứ Trung Cộng không rộng rãi để Việt Nam ăn một mình. Nhân dân Việt Nam muốn được hưởng các thành quả của sự đầu tư. Hãy chờ xem lãnh đạo Việt Cộng sẽ có can đảm đứng với nhân dân Việt Nam hay là vì muốn duy trì địa vị cá nhân nên để đàn anh Trung Cộng xen vào chỉ đạo và cướp đi các quyền lợi.

Trần Mai Trung
Tháng 10-2023

03 August 2023

Chuyến bay ăn cướp

Vụ án "chuyến bay giải cứu", hoặc là "chuyến bay ăn cướp", được dự định kéo dài 1 tháng. Nhưng mới đi được 2 phần 3 đoạn đường thì Tòa cho chấm dứt phần tranh luận và vội vã tuyên án. Lý do là phiên tòa đã phản tuyên truyền. Đảng cộng sản muốn vẽ ra hình ảnh là đảng chống tham nhũng nhưng các hành vi tham nhũng có tổ chức của nhiều đảng viên lại cho thấy đảng cộng sản là đảng tham nhũng.

Vụ án "chuyến bay ăn cướp" có sự tham gia của nhiều đảng viên cao cấp trong các cơ quan ở trung ương như Thứ trưởng Ngoại giao, Cục trưởng Lãnh sự, Thư ký Thứ trưởng Y tế, Cục phó Xuất nhập cảnh Bộ công an, Vụ trưởng Văn phòng chính phủ, v.v. Nó cũng có sự tham gia ở các địa phương như Phó chủ tịch Hà Nội, Phó giám đốc công an Hà Nội, Phó chủ tịch Quảng Nam. Nó cũng lan ra nước ngoài như Đại sứ Việt Nam tại Mã Lai, tại Nhật Bản.

Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, như Cục phó Xuất nhập cảnh Trần Văn Dự nói: tại số đen nên mới bị bắt. Ông ta nói một cách tự nhiên vì thấy các đồng chí chung quanh và cấp trên cũng ăn nhiều trong các phi vụ khác nhưng vẫn tiếp tục làm lãnh đạo. Đảng cộng sản độc tài, không cho người dân có quyền phê bình đảng, làm video "Thánh rắc hành" cũng bị bắt vào tù, cho nên tệ nạn tham nhũng ngày càng phát triển không kiểm soát và trở thành đảng tham nhũng. 

Việt Nam có nhiều người đi xuất khẩu lao động và du học sinh. Khi đại dịch Covid xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, rồi lan ra khắp thế giới thì các hãng xưởng và trường học bị đóng cửa trong nhiều tháng. Không có tiền lương và không đủ tiền trả các chi phí ở nước ngoài nên nhiều người cần trở về nước, đa số là công nhân xuất khẩu lao động và du học sinh, họ là công dân Việt Nam chứ không phải Việt kiều tị nạn "khúc ruột ngàn dặm".

Khi có chiến tranh hoặc dịch bệnh thì việc đưa công dân của mình về nước là nhiệm vụ của chính phủ. Các quốc gia đều tiến hành việc này một cách bình thường, Việt Nam thì xem đó là chiến công "ngạo nghễ"! Tệ hại nhất là các quan chức cộng sản đã lợi dụng giai đoạn khó khăn này như cơ hội làm tiền. Người không có tiền mới cần về, thì vì không có tiền mà không được về, phải sống vất vưởng ở xứ người. Công dân Việt Nam còn bị đối xử như vậy thì Việt kiều tị nạn đừng mơ tưởng đảng và nhà nước thương nhớ "khúc ruột ngàn dặm", họ chỉ thương nhớ tiền ở trong túi Việt kiều mà thôi.

Ở Mã Lai có gần 2.000 công dân Việt Nam bị tù mấy năm nay, họ là ngư dân bị bắt trong hải phận Mã Lai, là những người qua đó lao động chui hoặc hành nghề mại dâm. Khi mãn hạn tù, nếu gia đình có tiền gởi qua thì họ mua được vé để về, nếu gia đình nghèo thì họ đành "tạm trú" trong ... trại tù, chính sách bảo hộ công dân của đảng và nhà nước không giúp họ 1 đồng. Đảng cộng sản thường tuyên truyền là tranh đấu cho người nghèo nhưng trong trường hợp này thì thấy đảng đã nói láo.

Lúc bình thường, người dân đã khó khăn để mua vé về nước. Khi Covid đến, Đại sứ Việt Nam tại Mã Lai là Trần Việt Thái chỉ đạo tăng giá vé, thu thêm tiền để ăn chia trong Sứ quán, cái khẩu hiệu "phục vụ nhân dân" chỉ có trên sách báo. Trong phiên tòa "chuyến bay ăn cướp", Thái bị phạt 4 năm tù. Đúng ra Thái phải bị phạt 2.000 năm tù cho tương xứng với sự đau khổ của 2.000 đồng bào ở Mã Lai.

Tháng 2-2023, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc công an Hải Phòng, bị cáo buộc nhận tiền chạy án 35 tỉ đồng từ trùm buôn hóa đơn Trương Xuân Đước. Người ta tìm thấy đường dây chạy án này đã có từ thời ông Ca đang làm công an. Trong vụ án "chuyến bay ăn cướp", Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc công an Hà Nội, bị cáo buộc nhận tiền chạy án 2,65 triệu USD (60 tỉ đồng) từ công ty Bluesky (Bầu trời xanh). Hai đường dây bị lộ này cho thấy tệ nạn chạy án là có thật và các đường dây chạy án có sự tham gia của mấy ông Tướng công an.

Tham nhũng phát triển ngày càng lớn trong chế độ cộng sản, từ một số đảng viên lên đến nhiều đảng viên, lên đến nhiều đường dây, nhiều phe nhóm. Khi lấy tiền thì những người trong đường dây chia nhau tiêu xài. Khi bị lộ thì cấp trên đổ tội cho cấp dưới, bắt cấp dưới làm con dê tế thần. Thiếu tướng công an Tuấn nhận tiền chạy án, rồi nói là gởi hết cho Trung tá công an Hoàng Văn Hưng, Tuấn chỉ làm trung gian ăn 0 đồng, bắt đàn em Hưng gánh hết tội lỗi.

Phiên tòa cũng bộc lộ cho thấy các lãnh đạo cộng sản đã tham nhũng và giàu có như thế nào. Trong một thời gian ngắn, Thiếu tướng công an Tuấn đã nộp lại 1,8 triệu USD (40 tỉ đồng), tương đương với tiền lương 200 năm của Tuấn. Số tiền đó từ đâu ra? Tuấn đã ăn tiền chạy án nhiều lần trong quá khứ? Những vụ án nào đã bị xử oan sai vì sự chạy án của Tuấn? Các câu hỏi này sẽ được Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho chìm xuồng để không làm vỡ bình.

Ông Trọng gọi những đảng viên cộng sản tham nhũng là những con chuột. Nhìn các đảng viên như Anh Dũng, Hương Lan, Xuân Dũng, Anh Tuấn, Việt Thái, v.v. và các đảng viên trong các phi vụ Việt Á, Đăng kiểm xe máy, Thuốc tây giả, AIC, AVG, v.v. và nhiều đảng viên tham nhũng bị nhân dân biết mặt nhưng không bị đảng kêu tên nên vẫn làm quan chức, thì thấy đảng cộng sản có nhiều chuột hơn người.

Trọng nói bóng bẩy: đánh chuột nhưng không làm vỡ bình. Nghĩa đen là đánh chuột nhưng không được đụng tới ổ chuột. Như vậy thì chuột sẽ còn hoài, đánh vài con chuột thì bọn chúng lại sinh đẻ ra con khác. Người Việt Nam muốn đất nước mình sạch sẽ, xinh đẹp nhưng không hiểu tại sao cứ ngồi nhìn bọn chuột chạy tới chạy lui mà không làm một cái gì. Hi vọng một ngày không xa, người dân sẽ đứng dậy, cầm chổi đuổi bầy chuột, quét luôn cả ổ chuột để đất nước Việt Nam được sạch sẽ.

Trần Mai Trung
Tháng 8-2023

11 July 2023

Có lửa mới có khói

Một tháng trôi qua từ ngày tiếng súng vang lên ở Cao nguyên Trung phần (Tây Nguyên), người dân bản địa đã bày tỏ sự bất bình bằng hành động. Có mấy người chết, hơn 80 người bị bắt giữ, mấy trăm người bị đánh đập. Nguyên nhân nào khiến cho sự việc chấn động này xãy ra? Nhà cầm quyền đã làm gì để giải quyết các nguyên nhân đó?

Thời xa xưa, người Việt (người Kinh) sinh sống ở vùng châu thổ sông Hồng, các dân tộc Bahnar, Jarai, Rhade, K'Ho, ... sinh sống ở vùng đồi núi Tây Nguyên, hai bên không biết nhau, không cùng một nước. Năm 939, người dân Việt Nam và anh hùng Ngô Quyền đánh đuổi quân Trung Quốc và giành lại độc lập, biên giới phía Nam tới Hoan Châu (Nghệ An).

Sau đó, người Việt tiến về phương Nam, xâm chiếm nước Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp. Có người xem đó là chiến công mở rộng đất nước, có người xem đó là sự tàn nhẫn đi xâm lược và tiêu diệt một quốc gia khác. Người Việt đi về phía Nam dọc theo các đồng bằng ven biển chứ không đi lên vùng đồi núi cao nguyên, khi vua Gia Long thống nhất đất nước vào năm 1802 thì Tây Nguyên vẫn là một vùng đất tự trị, không có quan quân nhà Nguyễn tới điều hành.

Sau 80 năm đô hộ nước ta, ngày 8-3-1949 Tổng thống Vincent Auriol nước Pháp và Cựu hoàng Bảo Đại ký Hiệp định Élysée công nhận nước Việt Nam độc lập ở trong khối Liên Hiệp Pháp. Tháng 5-1949, Pháp trao quyền quản lý Tây Nguyên cho chính phủ Quốc Gia Việt Nam như một khu vực hành chánh riêng biệt gọi là Hoàng Triều Cương Thổ, các dân tộc bản địa đang sinh sống ở Tây Nguyên không được hỏi ý kiến về quyết định này.

Năm 1955, Tổng thống Ngô Đình Diệm xóa bỏ cơ chế đặc thù và đưa Tây Nguyên vào lãnh thổ Trung phần Việt Nam, người dân bản địa có các phong trào nổi lên chống đối để đòi lại quyền tự trị nhưng không thành công. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thành lập các cơ quan hành chánh cấp Tỉnh và Quận với sự tham gia của một số người Thượng, ở cấp Buôn Làng thì người dân bản địa sinh hoạt như xưa, người Kinh không can thiệp vào.

Trong những năm 1955 đến 1975 nhiều người Kinh lên sinh sống ở Tây Nguyên, đa số ở trong các thành phố, thị xã hoặc dọc theo các đường quốc lộ. Vùng đồi núi hoang vu rộng lớn gần như vẫn thuộc về người bản địa. Người Thượng có thể di chuyển đến khai phá một mãnh đất rồi định cư hoặc làm nương rẩy ở đó mà không cần xin phép ai, như cha ông họ đã làm hàng ngàn năm qua.

Sau khi chiếm được Miền Nam, đảng cộng sản giành giựt các quyền lợi của người dân. Đảng độc quyền sở hữu nhà nước, độc quyền chỉ định đảng viên nắm các chức vụ trong chính quyền từ trung ương đến địa phương, làm ông chủ tất cả đất đai Việt Nam bằng cách núp sau khẩu hiệu "sở hữu toàn dân" mơ hồ. Đảng cũng giành làm ông chủ của tất cả hãng xưởng và hệ thống phân phối hàng hóa trong mấy chục năm, cho đến khi đảng thất bại trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải để cho tư nhân được làm chủ các hảng xưởng, doanh nghiệp như bây giờ.

Người dân Tây Nguyên đã sống và khai thác rừng núi thiên nhiên mấy ngàn năm, rừng núi vẫn xanh tươi. Từ khi cộng sản vào thì người bản địa bị mất các quyền mà cha ông đã có, muốn làm gì cũng phải xin phép mấy người Kinh đến từ Hà Nội. Người dân đứng nhìn các Ủy ban người Kinh tự cho quyền lấy khu rừng này, lấy khu rừng kia, cho công ty đem máy móc vào chặt hàng ngàn cây rồi từng đoàn xe chở cây xuống đồng bằng. Trong khi đó người dân vào rừng đốn củi cho gia đình thì bị cấm. Như vậy thì ai mà không bất bình?

Đạo Phật đã có hơn 2.500 năm, đạo Thiên Chúa đã có hơn 2.000 năm, trên thế giới có hàng tỉ người tin theo tôn giáo. Tại hầu hết các quốc gia, người dân có tôn giáo là bình thường, không "đe dọa an ninh" của ai cả. Chế độ cộng sản đầu tiên xuất hiện cách đây 100 năm, đảng cộng sản ra sức tuyên truyền để người dân đi theo chủ nghĩa nhưng đa số người dân vẫn tin vào tôn giáo. Đảng đưa ra kế hoạch: một mặt nói xấu các tôn giáo và một mặt tô vẽ lãnh tụ của đảng như ông Thánh.

Lê-nin (ở nước Nga) được tô vẽ là người tài giỏi, Lê-nin nói "Tôn giáo là thuốc phiện", cho thấy Lê-nin là kẻ hồ đồ. Hồ Chí Minh được tô vẽ là người tài giỏi, Hồ nói "Tôi có thể sai nhưng bác Mao (ở Trung Quốc) không bao giờ sai", cho thấy Hồ có tính nô lệ.

Như hàng tỉ người trên thế giới, người Thượng ở Tây Nguyên cũng muốn có tôn giáo, nhiều người chọn theo đạo Tin Lành, đó là quyền tự do tâm linh của mỗi người. Cán bộ cộng sản nói đạo Thiên Chúa đến từ Pháp, đạo Tin Lành đến từ Mỹ, theo đạo là theo Pháp, theo Mỹ, chống lại Việt Nam. Vậy thì chủ nghĩa Mác-Lênin đến từ Nga, tư tưởng Mao Trạch Đông đến từ Tàu, theo cộng sản là theo Nga, theo Trung Quốc, chống lại Việt Nam. Cán bộ ép buộc người dân đem hình Thiên Chúa xuống, treo hình ông Hồ lên, như vậy thì ai mà không bất bình?

Người bản địa có cuộc sống đơn giản, thật thà. Họ đã nói ra một cách ôn hòa là muốn tiếp tục cách sống như tổ tiên, có quyền khai khẩn đất hoang để sinh sống như cha ông, có quyền chọn lựa cuộc sống tâm linh. Nhà cầm quyền cộng sản đã không lắng nghe và không tôn trọng các truyền thống của người bản địa. Trái lại, cho công an đến nhà hăm dọa và bao vây kinh tế gia đình người dân. Như vậy thì ai mà không bất bình?

Có người viết ra những bài viết trình bày và đòi hỏi các quyền lợi của người bản địa. Họ gởi cho các cấp của đảng cầm quyền, cho Tổng bí thư. Chờ đợi mấy tháng, một năm mà không có trả lời. Họ gởi cho các cơ quan truyền thông trong nước thì không có ai đăng lên để phản ảnh ý kiến của người dân, bởi vì tất cả nằm dưới sự chỉ đạo của đảng. Họ gởi cho các mạng xã hội trên internet thì được phổ biến rộng rãi, nhưng sau đó thì công an đến bắt họ vào tù về tội nói xấu nhà nước cộng sản.

Thấy rằng đoàn kết thì sống, chia rẻ thì chết, người dân Tây Nguyên đã tụ họp lại biểu tình. Trong những năm 2001-2004, hơn 20.000 người bản địa đã biểu tình ở các tỉnh Tây Nguyên để đòi hỏi quyền lợi đất đai và tự do tôn giáo. Đó là người dân biểu tình chứ không phải "phản động", "phản động" không có đông như vậy. Đảng cộng sản gởi mấy chục ngàn công an, binh sĩ tới đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình, nhiều người dân bị giết, mấy ngàn người bị bắt vào tù, mấy ngàn người phải rời quê hương đi tị nạn ở nước khác.

Người bản địa còn lựa chọn nào? Các phương tiện hòa bình đã được sử dụng và đã bị đàn áp tàn nhẫn. Sự độc tài của đảng cộng sản đã đẩy ngưởi dân đi vào con đường bạo lực.

Một tháng trôi qua, không thấy đảng cộng sản xem lại và thay đổi chính sách đất đai đối với trường hợp khác biệt của người bản địa, đảng vẫn tham lam bám lấy độc quyền mua bán tất cả đất đai trên nước Việt Nam. Không thấy đảng thay đổi cách nhìn về tôn giáo, vẫn ép buộc các tôn giáo phải nằm dưới một đứa con của đảng là Mặt trận tổ quốc, vẫn có nhiều trường hợp công an xem những người thờ phượng Chúa là "phản động".

Có một thay đổi theo hướng xấu hơn là Bộ công an đưa ra kế hoạch tăng cường an ninh cơ sở, tức là tăng thêm số công an khu vực vào nằm vùng trong các buôn làng. Hiện nay đã có hơn 1 triệu công an, dân phòng, mật vụ, cai tù, chiếm một ngân sách gấp 10 lần Bộ y tế, gấp 13 lần Bộ giáo dục, vậy mà còn muốn tăng thêm nữa. Người dân Việt Nam sẽ bị kiểm soát nghẹt thở hơn và phải trả thêm tiền thuế để nuôi những kẻ theo dõi mình.

Đảng cộng sản không có can đảm nhận lỗi, luôn luôn đổ lỗi cho người khác. Đảng không tự hỏi là đã làm gì mà người dân cầm súng bắn vào công an, cán bộ. Đảng không cải thiện các chính sách về đất đai, tôn giáo, kinh tế, chính trị theo ý dân. Đảng dùng bạo lực để đàn áp, đổ thêm dầu vào lửa, là thủ phạm tạo ra thêm bạo lực, sự bất ổn sẽ kéo dài.

Trần Mai Trung
Tháng 7-2023

28 March 2023

Kẻ ăn cắp đất

Tất Thành Cang xuất thân là bộ đội ở Quân khu 7 vào năm 1990. Đi lính 3 năm Cang lên chức Thượng sĩ. Sau đó, Cang tiến thân qua con đường Đoàn thanh niên cộng sản (CS). Năm 2003, Cang được vào Trung ương đoàn, học tập đạo đức ông Hồ hàng ngày. Năm 2016, Cang được Tiểu ban nhân sự của Nguyễn Phú Trọng cho vào Trung ương đảng và làm Phó bí thư thành Hồ. Cang là 1 trong 200 người ưu tú nhất của đảng CS. Cuối năm 2020, Cang bị bắt vào tù về tội tham nhũng và bị kết án 2 lần tổng cộng 14 năm tù.

Trần Văn Nam là Bí thư tỉnh đoàn thanh niên CS Bình Dương vào năm 1997. Nam đi giảng dạy đạo đức ông Hồ cho thanh niên Bình Dương trong nhiều năm. Năm 2016, Nam được Tiểu ban nhân sự của Trọng cho vào Trung ương đảng và làm Bí thư tỉnh ủy Bình Dương. Nam là 1 trong 200 người ưu tú nhất của đảng CS. Giữa năm 2021, Nam bị bắt vào tù về tội tham nhũng và bị kết án 7 năm tù.

Ở Miền Nam trước năm 1975, Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa ra chương trình Cải cách điền địa vào năm 1956, giúp cho 123.000 nông dân có cơ hội mua đất để canh tác nông nghiệp. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đưa ra chương trình Người cày có ruộng vào năm 1970, giúp cho 850.000 nông dân có cơ hội làm chủ ruộng đất để canh tác nông nghiệp, nông dân không được bán lại thửa đất đó trong vòng 15 năm.

Sau đó, người dân có toàn quyền với mảnh đất của mình, có thể tiếp tục trồng trọt đến lúc muốn về hưu, hoặc bán lại cho người khác, hoặc để lại cho con, cho cháu. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam công nhận và tôn trọng quyền tư hữu của người dân.

Ở Miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chương trình Hợp tác xã (HTX) và quyền làm chủ tập thể, đó là một quyền mơ hồ và không có lợi ích thực tế cho người dân. Đảng CS ép buộc nông dân vào HTX, các nông dân là những ông chủ tập thể của HTX. Sau vài năm, HTX sản xuất yếu kém, gia đình nông dân bị đói. 

Nông dân phát hiện ra những người lãnh đạo HTX không có khả năng chuyên môn về nông nghiệp, không có khả năng điều hành một tổ hợp mấy trăm người, chỉ biết tụng kinh Mác-Lê như con vẹt. Nông dân muốn thay đổi lãnh đạo HTX để sản xuất khá hơn nhưng các ông chủ tập thể không có quyền thay đổi lãnh đạo, chỉ có đảng CS có quyền chỉ định đảng viên của họ làm lãnh đạo. Ngày nay, đảng CS vẽ ra chữ mới, thay thế "làm chủ tập thể" thành "sở hữu toàn dân".

Năm 1982, Tỉnh ủy Sông Bé (nay là Bình Dương) thành lập công ty 3 tháng 2 để kinh tài cho đảng. Thời gian đầu, công ty hoạt động trong lãnh vực cao su. Từ năm 1997, nhiều công ty ngoại quốc vào đầu tư ở Bình Dương, công ty 3 tháng 2 hoạt động mạnh về khu công nghiệp và bất động sản. Năm 2003, đảng cộng sản chỉ đạo các đảng viên trong chính quyền giao 188 ha đất của nước Việt Nam tại Hòa Phú ở Thủ Dầu Một cho công ty 3 tháng 2.

Năm 2016, Bí thư Trần Văn Nam cho công ty 3 tháng 2 bán khu đất 43 ha cho công ty Tân Phú với giá 250 tỉ đồng. Năm 2017, Nam và Trần Thanh Liêm cho bán khu đất 145 ha cho công ty Tân Thành với giá 570.000 đồng/m2. Vài năm sau, đảng CS cho rằng như vậy là lời ít, đúng ra Tỉnh ủy Bình Dương phải được thêm 1.800 tỉ đồng (80 triệu USD).

Nam là người trong cuộc nên biết rỏ đảng cộng sản ăn lời rất nhiều từ đất đai của nước Việt Nam. Một ngày đẹp trời, Nam cảm thấy yêu vợ con hơn yêu đảng, muốn vợ con sung sướng, muốn có tiền cho con cháu đi du học nước ngoài, Nam hạ giá bán đất để ăn chia số tiền chênh lệch với bên mua. Đảng cộng sản bị đảng viên ăn chặn, đảng ra lệnh cho Đảng ủy tòa án thay đổi tội danh Gây thất thoát tài sản của Tỉnh ủy Bình Dương, trở thành Gây thất thoát tài sản của nhà nước để bắt Nam vào tù.

Năm 2004, Thành ủy Hồ Chí Minh thành lập công ty Tân Thuận để kinh tài cho đảng. Năm 2009, đảng cộng sản chỉ đạo các đảng viên trong chính quyền giao 32 ha đất của nước Việt Nam tại Phước Kiển ở ngoại ô Sài Gòn cho công ty Tân Thuận. Năm 2017, Phó bí thư Tất Thành Cang cho công ty Tân Thuận bán khu đất 32 ha cho công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 419 tỉ đồng. Vài năm sau, đảng CS cho rằng như vậy là lời ít, đúng ra Thành ủy Hồ Chí Minh phải được thêm 150 tỉ đồng.

Cang là người trong cuộc nên biết rỏ đảng cộng sản ăn lời rất nhiều từ đất cát của nước Việt Nam. Một ngày đẹp trời, Cang cảm thấy yêu bản thân hơn yêu đảng, muốn sống ngon lành như bạn bè cùng đẳng cấp, nhưng lương của cán bộ thì không đủ, Cang hạ giá bán đất để ăn chia số tiền chênh lệch với bên mua. Đảng cộng sản bị đảng viên ăn chặn, đảng ra lệnh cho Đảng ủy tòa án thay đổi tội danh Gây thất thoát tài sản của Thành ủy Hồ Chí Minh, trở thành Gây thất thoát tài sản của nhà nước để bắt Cang vào tù.

Đảng viên cộng sản lấy tiền của đảng, đảng tức giận. Đảng khiển trách đảng viên, cách chức đảng viên, bỏ tù đảng viên.

Đảng cộng sản lấy đất của nước Việt Nam cho các công ty của đảng, khi nào thì nhân dân Việt Nam tức giận? Khi nào thì nhân dân sẽ khiển trách đảng, cách chức đảng, bỏ tù đảng?

Trần Mai Trung
Tháng 3-2023

21 February 2023

Âm mưu cướp tiền

Tháng 11-1986, Trương Mỹ Hoa đang làm Bí thư quận Tân Bình ở Thành Hồ được đặc cách lên chức Ủy viên dự khuyết trung ương đảng và Phó chủ tịch Hội phụ nữ. Hoa là chị vợ của Lê Thanh Hải, Hải cũng làm việc ở quận Tân Bình một thời gian. Năm 1990, Hải được làm Bí thư quận 5, nơi Trương Mỹ Lan đang buôn bán.

Sau khi kết nghĩa với vợ của Hải, kết thân với gia đình cơ sở nằm vùng bà Sáu Hòa, Lan thành lập công ty Vạn Thịnh Phát vào năm 1992 ở quận 5 để kinh doanh về nhà hàng và khách sạn. Nhưng trong giai đoạn này công ty không kinh doanh gì nhiều.

Năm 2002, Hoa lên chức Phó chủ tịch nước. Năm 2006, Hải được vào Bộ chính trị và làm Bí thư thành Hồ. Một năm sau, Lan thành lập Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) để kinh doanh bất động sản, cao ốc văn phòng và căn hộ. Lan sở hữu 80% cổ phần của VTP. Đây là lúc VTP bắt đầu hoạt động mạnh.

Tập đoàn VTP mở ra nhiều công ty con như Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment) vốn 12.800 tỉ đồng, Đầu tư An Đông vốn 9.000 tỉ đồng, Phát triển hạ tầng và bất động sản (VIPD) vốn 11.000 tỉ đồng, Sài Gòn Peninsula vốn 18.000 tỉ đồng, v.v. VTP cũng tiến hành nhiều dự án như Times Square, Union Square (đã mua với giá 10.000 tỉ đồng vào năm 2013), Thuận Kiều Plaza, Saigon Peninsula rộng 118 ha, Sherwood Residence, v.v.

Việt Nam bây giờ có những công ty "tư nhân" lớn với số vốn mấy chục ngàn tỉ đồng (tương đương mấy tỉ USD), giống như nền kinh tế thị trường, nhưng với định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)! Cái đuôi XHCN không đơn giản chỉ là cái tên, nó là một chính sách với nhiều chi tiết. Đảng cộng sản (CS) Liên Xô soạn thảo nó trong giai đoạn đổi mới của Gorbachev khi họ muốn cổ phần hóa các công ty nhà nước. Đảng CS Trung Quốc bổ sung thêm khi nền kinh tế tư nhân bùng nổ ở Trung Hoa. Đảng CS Việt Nam được 2 đàn anh truyền lại và đem về áp dụng.

Trình bày và phân tích cái đuôi XHCN cần một bài viết dài, sau đây là vài điểm liên quan đến quyền lợi của đảng CS trong nền kinh tế thị trường:

o Khi cổ phần hóa các công ty nhà nước, những người có nhiều cổ phần phải là người của đảng.
o Các công ty tư nhân trong nước chỉ được phát triển tới một giới hạn (thí dụ 20 tỉ đồng). Người chủ và người có nhiều cổ phần (gọi chung là người chủ) có thể được sắp xếp trở thành đảng viên để công ty được phép phát triển lớn hơn. Đảng viên phải tuân theo kỷ luật của đảng.
o Trong mỗi công ty lớn có một chi bộ đảng. Chi bộ công ty theo dõi các hoạt động và báo cáo về Khối doanh nghiệp của đảng. Chi bộ công ty cũng truyền đạt các ý muốn của trung ương tới công ty.
o Người chủ sinh hoạt trong chi bộ công ty, phải tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phải làm theo quyết định của đa số.
o Đảng có quyền điều động đảng viên trong chi bộ công ty sang sinh hoạt ở nơi khác và ngược lại (đây là một kỹ thuật để trung ương tạo ra thế đa số trong chi bộ).
o Danh tính đảng viên của người chủ có thể được giấu kín để không gây khó khăn khi làm ăn với các công ty nước ngoài.

Bên Trung Quốc, người chủ Alibaba Mã Vân (Jack Ma), người chủ Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) là đảng viên CS. Ở Việt Nam, người chủ các công ty lớn như Vingroup, Sungroup, FLC, Him Lam, Mường Thanh cũng là đảng viên CS. Vạn Thịnh Phát cũng giống như vậy. Đảng CS có chi bộ trong VTP ngay từ đầu, họ biết các hoạt động của VTP trong 15 năm qua và đã cho giấy khen mấy lần.

Trước năm 2007, VTP kinh doanh chút ít, không làm ra nhiều tiền. Sau năm 2007, VTP mua nhiều dự án lớn, chi phí lên đến mấy chục ngàn tỉ đồng. Số tiền to lớn đó từ đâu ra? Có lẽ từ các lãnh đạo đảng ta? Có lẽ từ các lãnh đạo đảng bạn phía Bắc? Các ngân hàng thực hiện các giao dịch tiền bạc nên biết nó từ đâu tới nhưng giấu không cho dân biết.

Tháng 9-2018, công ty Đầu tư An Đông của VTP phát hành 2 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm trị giá 15.000 tỉ đồng. Tháng 1-2019, họ phát hành thêm 1 lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm trị giá 10.000 tỉ đồng. Hơn 3 năm trôi qua, VTP trả lãi bình thường, không ai lo lắng gì.

Tài sản của VTP rất lớn, cộng thêm 25.000 tỉ đồng của người dân mua trái phiếu, nhiều người thèm muốn. Một tháng trước đại hội 20 đảng CS Trung Quốc, Tập Cận Bình đè bẹp các phe khác trong đảng, kể cả nhóm có liên hệ với VTP. Ngày 23-9-2022, Nguyễn Phú Trọng bay vào Sài Gòn cùng với Bộ trưởng Công an, Bộ trưởng Quốc phòng, Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng ban Tổ chức, phát lệnh xẻ thịt Vạn Thịnh Phát.

Ngày 8-10-2022, bà Lan bị bắt với cáo buộc "gian dối trong việc mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân". Khi bà Lan bị bắt, 3 lô trái phiếu chưa đến kỳ hạn trả tiền, hành vi chiếm đoạt chưa xảy ra, cáo buộc như vậy là áp đặt, là để che đậy một âm mưu khác.

Trần Bắc Hà là Tổng giám đốc, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng đầu tư và phát triển (BIDV, bank for investment and development). Hà cũng là Bí thư đảng bộ ngân hàng BIDV. Tháng 9-2016, Hà về hưu. Tài sản của gia đình Hà ở Bình Định và bên Lào lên đến mấy ngàn tỉ đồng, làm cho nhiều người thèm muốn. Tháng 11-2018, Hà bị bắt về tội tham nhũng, 7 tháng sau Hà bị chết trong tù. Tài sản của gia đình Hà bị các công ty sân sau của các lãnh đạo thâu mua với giá rẻ. Hai năm sau, không rõ vì uất ức hay lý do gì, vợ của Hà qua đời vào tháng 11-2021.

Vở bi kịch của Trần Bắc Hà được diễn lại với Vạn Thịnh Phát. Lần này là một mũi tên bắn 2 con chim: tài sản to lớn của VTP và 25.000 tỉ đồng của 40.000 người dân mua trái phiếu An Đông.

Giống như những công ty lớn khác, ban quản trị của VTP có nhiều đảng viên CS, họ cũng móc ngoặc với một số lãnh đạo đảng, có người mang huy hiệu 50 tuổi đảng. Thời thế thay đổi, thế lực của VTP không mạnh như trước, tài sản của VTP lại rất lớn, lòng tham thúc đẩy các đồng chí ở phe mạnh bắt các đồng chí ở phe yếu vào tù, tài sản của VTP sẽ bị các công ty sân sau của phe mạnh thâu mua với giá rẻ để sau này bán lại có lời nhiều. Thí dụ, một dự án trị giá 200 tỉ đồng, 3 năm sau nó trị giá 220 tỉ đồng, bán lại sẽ có lời 20 tỉ đồng. Nếu thâu mua với giá rẻ 50 tỉ đồng, 3 năm sau bán lại với giá 220 tỉ đồng thì có lời 170 tỉ đồng.

Nếu tài sản của VTP được bán đúng giá, sau khi trả các khoản nợ, lương nhân viên, các chi phí, cũng còn một số tiền trả cho những người mua trái phiếu, nhưng bán đúng giá thì các công ty mua nó sẽ không thâu được nhiều lợi. Nếu tài sản của VTP được bán rẻ thì các công ty mua nó sẽ thâu được nhiều lợi, nhưng bán rẻ thì số tiền đó không đủ để trả các khoản nợ, lương nhân viên, các chi phí, đến phiên trái phiếu thì không còn tiền, 40.000 người dân mua trái phiếu An Đông xem như mất tiền.

Ở các quốc gia khác, những người mua trái phiếu có thể thành lập một nhóm, một hội để trao đổi thông tin, có quyền thuê luật sư bảo vệ quyền lợi của mình. Luật sư có thể tìm hiểu giá trị tài sản của công ty, theo dõi việc bán tài sản công ty theo đúng giá thị trường, đảm bảo số tiền thâu được sẽ chi trả theo đúng thứ tự.

Ở Việt Nam (VN), thời gian đầu có vài cuộc tập họp của một số trái chủ ở Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, bày tỏ sự lo lắng cho tiền bạc của mình. Một số người bị bắt giữ tại chỗ, một số người bị công an tới nhà hăm dọa, nên sau đó không thấy người nào tập họp nữa. Tập họp ôn hòa, về vấn đề tài chánh, không chống đối ai, cũng bị cấm. Đây là một thí dụ cho thấy người dân Việt Nam không có tự do trong chế độ cộng sản.

Đảng CS độc quyền cai trị đất nước mấy chục năm đã không xây dựng được một hệ thống pháp luật minh bạch và công bằng. 40.000 người dân mua trái phiếu An Đông có thể bị mất trắng nhưng hệ thống pháp luật VN không tạo điều kiện cho luật sư vào cuộc giúp đỡ các trái chủ. Luật sư ở Việt Nam cũng không được tiếp cận hồ sơ vụ án, không biết tài sản của VTP gồm có những gì, sẽ được bán ra sao, có đúng giá thị trường không, hay là bị bán rẻ để các công ty sân sau của lãnh đạo hưởng lợi.

Người dân làm việc cực nhọc để có tiền cho gia đình. Bây giờ bị mất tiền mà chỉ được phép ngồi chờ đợi, người ta trả lại 10.000 đồng cũng phải chấp nhận, người ta không trả đồng nào cũng phải chấp nhận. Người dân không có quyền đòi hỏi quyền lợi, không có quyền tiến hành các thủ tục pháp lý để lấy lại tiền, không có quyền phê bình xã hội bất công, không có quyền nói ra những khuyết điểm của đảng cầm quyền. Người dân sống trong chế độ cộng sản bị thiệt thòi quá nhiều.

Trần Mai Trung
Tháng 2-2023

19 January 2023

Ngày giỗ đầu năm

Đi lang thang trên đường phố Sài Gòn những ngày trước Tết, chợt thấy một cái băng rôn màu đỏ lạc lõng Kỷ niệm 55 năm cuộc tấn công Mậu Thân 1968. Lòng cảm thấy nhói đau nhớ lại thời chiến tranh, súng đạn nổ vang trong các ngày Tết, mấy ngàn căn nhà ở Sài Gòn bị đốt cháy, mấy ngàn người dân ở Huế bị thảm sát.

Giữa năm 1967, Bộ chính trị đảng cộng sản Bắc Việt quyết định đưa chiến tranh vào các thành phố và thị xã ở Miền Nam. Trong năm 1967, đảng cộng sản điều động thêm 94.000 binh sĩ của quân đội Bắc Việt đi vào Miền Nam, biên chế thành các Trung đoàn và Sư đoàn chính quy. Họ đưa nhiều thanh niên vào Nam đánh nhau mà không sợ Miền Bắc bị "hở sườn" là vì có 170.000 binh sĩ Trung Quốc vào Miền Bắc giúp phòng thủ. 

Tham gia cuộc tấn công Mậu Thân 1968 là mấy trăm ngàn binh sĩ Bắc Việt đã xâm nhập vào Miền Nam, mấy chục ngàn cán binh cộng sản từ các mật khu trong rừng núi và các cơ sở nằm vùng ở thành phố. Sách báo Miền Bắc gọi chung tất cả là quân giải phóng. Sách báo Miền Nam gọi chung các lực lượng đó là quân cộng sản (CS) hoặc là việt cộng.

Chính quyền Miền Nam có một quân đội, sách báo Miền Nam gọi là Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), sách báo Miền Bắc gọi là ngụy quân. Tết Mậu Thân, theo thông lệ hưu chiến mấy ngày Tết như các năm trước, nhiều binh sĩ VNCH về nhà ăn Tết với gia đình, những binh sĩ trực trại thì phòng vệ doanh trại bình thường.

Đêm giao thừa và ngày mồng 1 Tết, quân đội CS tấn công vào các thành phố và thị xã, giành thế chủ động, chiếm được một số địa điểm. Quân đội VNCH bị bất ngờ, lúng túng. Dân chúng bị mất ăn Tết, nếu sinh sống ở nơi có bắn nhau thì người dân bỏ nhà cửa tản cư đi nơi khác hoặc chạy vào các cơ sở tôn giáo như nhà chùa, nhà thờ với hi vọng được an toàn.

Sau vài giờ đồng hồ, quân đội VNCH tổ chức được các tuyến phòng thủ và bắt đầu phản công. Giao tranh giữa quân đội cộng hòa và cộng sản diễn ra khắp nơi, 50.000 binh sĩ hai bên bị tử trận trong Tết Mậu Thân, người dân cũng bị thiệt hại nhiều nhân mạng và tài sản.

Nhận xét về quân đội CS, giữ được yếu tố bất ngờ là một ưu điểm lớn nhưng khả năng chiến đấu yếu kém của quân giải phóng là một khuyết điểm lớn, có lẽ do không được huấn luyện quân sự đầy đủ. Bên phía quân đội VNCH, bị bất ngờ là một khuyết điểm lớn nhưng khả năng chiến đấu vững vàng của sĩ quan và binh sĩ VNCH là một ưu điểm lớn. Kết quả là quân CS đánh vào được nhiều thành phố, nhưng chỉ một vài ngày là bị quân đội VNCH đánh bật ra khỏi tất cả các thành phố và thị xã ở Miền Nam, ngoại trừ Huế, trận đánh ở đó kéo dài 25 ngày.

Tiến hành tấn công Huế, quân đội CS sử dụng 4 trung đoàn chính quy và các tiểu đoàn độc lập, tiểu đoàn đặc công. Họ tấn công Bộ chỉ huy Sư đoàn 1 VNCH ở Mang Cá nhưng không vào được. Họ quay sang chiếm khu Đại Nội của Triều Nguyễn là một khu vực văn hóa không được phòng thủ nhiều. Họ cũng đánh chiếm các khu dân cư ở phía nam sông Hương. Khi quân đội VNCH và đồng minh phản công, quân đội CS đưa thêm 3 trung đoàn ở Khe Sanh về tham chiến, trận đánh kéo dài đến ngày 25-2-1968 mới chấm dứt (*).

Huế bị giải phóng 25 ngày, đó là những ngày kinh hoàng. Nhiều người dân nhìn người thân của mình bị quân CS bắt đi và không bao giờ trở lại. Một thời gian sau, mấy chục ngôi mộ tập thể được phát hiện ở quanh Huế với 2.810 tử thi, một số người dân tìm được người thân của mình trong đó. Trong số những người bị giết có các giáo viên, bác sĩ, linh mục Thiên chúa giáo. Không ai giải thích được lý do tại sao họ bị giết? Tàn nhẫn hơn, một số nạn nhân đã chết với hai tay bị trói. Người ta cũng tìm ra nhiều phụ nữ và trẻ em trong số những người bị chôn sống.

Tháng 9-1969, một ngôi mộ tập thể được phát hiện ở Khe Đá Mài với 428 tử thi. Thời gian đã phân hủy nhiều thi hài, chỉ một số được xác định danh tính nhờ các đồ vật họ mang trong người lúc bị chết. Chính quyền VNCH cải táng hơn 400 bộ hài cốt không xác định được từ các ngôi mộ tập thể về núi Bân ở phía nam Huế và lập ra hai bàn thờ, một bên cho Phật giáo, một bên cho Thiên chúa giáo. Những đồng bào có thân nhân bị chết hoặc mất tích trong Tết Mậu Thân nhưng không tìm ra xác thường tới đây những ngày đầu năm để cúng giỗ người thân. Sau năm 1975, chính quyền CS phá hủy hai bàn thờ đó và ngăn cấm người dân đến cúng giỗ.

Đối với người dân Huế, cũng như người dân Miền Nam nói chung, Tết Mậu Thân 1968 là những ngày tang tóc, những ngày rất buồn.

Sách báo trong chế độ cộng sản được viết theo chỉ đạo của đảng, bóp méo sự thật theo hướng đảng luôn luôn thắng. Họ nói cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 là chiến thắng. Xem xét kỹ ngày giờ của các trận đánh thì thấy quân đội CS tấn công vào các thành phố, ở đó một vài ngày, ở Huế 25 ngày, ở nhiều nơi chỉ có mấy giờ đồng hồ, rồi bị quân đội VNCH phản công và đánh bật ra khỏi các thành phố, phải rút lui về rừng hoặc chạy qua Campuchia. Như vậy ai là bên chiến thắng? Một điều chắc chắn là người dân Miền Nam bị thiệt hại nhiều vì cuộc tấn công.

Ngày nay, lãnh đạo đảng CS đi qua Tàu, Pháp, Mỹ, nói gác lại quá khứ hướng tới tương lai để buôn bán. Nhưng ở trong nước, sách báo tuyên truyền vẫn nói về quá khứ chiến tranh, nói về các "chiến công" của đảng với nhiều máu và nước mắt.

55 năm đã đi qua, vẫn còn một số người vỗ tay tự hào chiến thắng trên những xác người, tiếp tục chia rẻ dân tộc.

Trần Mai Trung
Tháng 1-2023

(*) Nếu bạn muốn biết thêm chi tiết, xin đọc: Cuộc tổng công kíck Tết Mậu Thân 1968 của Sử gia Đại tá Phạm Văn Sơn.

13 June 2022

Tưởng là sự thật

Đầu tháng 4-2022, một số cơ quan truyền thông Âu Mỹ đến nước Nga tìm hiểu người dân Nga nghĩ gì về cuộc chiến tranh ở Ukraine. Thật ngạc nhiên, có nhiều người Nga đồng ý với cuộc chiến đó, họ gọi là để giải phóng nhân dân Ukraine. Nhiều người cũng hâm mộ ông Putin qua hình ảnh một sĩ quan tình báo, võ sĩ Judo, ở trần cởi ngựa.

Các cơ quan truyền thông cũng đến nước Ukraine tìm hiểu người dân nghĩ gì về cuộc chiến tranh do quân Nga gây ra. Đa số người Ukraine muốn bảo vệ nền độc lập và dân chủ mà họ đang có, không muốn bị giải phóng, mọi người chống lại quân Nga xâm lược. Putin khởi xướng chiến tranh, làm thương vong hàng vạn người Ukraine, hàng vạn binh sĩ Nga, người dân Ukraine xem Putin là kẻ xấu.

Nhân dân luôn luôn đúng, nhưng chỉ cách nhau một đường biên giới mỏng, người dân Nga và người dân Ukraine có cái nhìn khác nhau về một cuộc chiến. Người dân nào có cái nhìn đúng?

Nói đơn giản, người nào khởi xướng chiến tranh, đem quân đi xâm lược một nước khác, là sai trái. Người dân Nga tốt bụng tại sao không nhìn thấy điều đó? Nguyên nhân là thông tin bị bưng bít và định hướng. 

Chính quyền Ukraine được người dân bầu ra nhưng chế độ Putin lại nói là chính quyền phát-xít, người dân Nga nghe thông tin của chế độ và tin theo điều đó. Ba tháng qua, mấy chục Tổng thống, Thủ tướng của mấy chục quốc gia đã đến Kyiv bày tỏ tình đoàn kết với chính quyền và nhân dân Ukraine cho thấy chính quyền Ukraine không phải là phát-xít như Putin nói.

Người dân Ukraine đang sống bình an thì chế độ Putin lại nói là bị đàn áp, nghèo khổ, cần quân Nga đem súng đạn vào giải phóng. Người dân Nga nghe thông tin của chế độ và cũng tin theo điều đó. Ba tháng trôi qua, người dân Ukraine vẫn chiến đấu chống lại quân Nga chứ không muốn bị giải phóng. Quân Nga đánh tới đâu thì người dân Ukraine bỏ đi nơi khác, 14 triệu người Ukraine đã rời nơi sinh sống chạy về vùng lãnh thổ do chính quyền Ukraine kiểm soát hoặc chạy qua các nước bạn của Ukraine.

Chế độ Putin tiếp tục cách tuyên truyền của đảng cộng sản, ngăn chặn các thông tin trên thế giới vào trong nước, chỉ cho phép phổ biến những thông tin có lợi cho chính quyền, người nào phổ biến những thông tin trung thực nhưng không có lợi cho chính quyền thì bị kết tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước. Sau một thời gian, người dân sẽ nhìn các sự việc theo tuyên truyền của chế độ, tưởng là sự thật, không biết đó là mặt trái của sự thật, trái ngược với những thông tin khác.

Tội nghiệp người lính Nga, hi sinh đi giải phóng Ukraine, nếu bị chết cũng không được nhân dân Ukraine cám ơn, trái lại còn bị nhân dân Ukraine oán hận vì đã đem chiến tranh và tàn phá vào đất nước của họ. Người lính Nga chỉ được chế độ Putin vinh danh vì đã đi đánh nhau, phục vụ cho tham vọng bành trướng lãnh thổ của Putin và đám lãnh đạo Kremlin.

Nhiều quốc gia dân chủ đã giúp đỡ Ukraine về quân sự và kinh tế để bảo vệ nền độc lập. Sự giúp đỡ đó có thể nói là thành công, đã giúp nước Ukraine đứng vững. Nhưng chiến tranh sẽ tiếp tục nếu người dân Nga vẫn hiểu lầm là người Ukraine muốn được giải phóng. Việc truyền tải các thông tin trung thực, đa chiều đến người dân Nga có thể nói là chưa thành công. Các quốc gia dân chủ cần đẩy mạnh vấn đề truyền thông, giúp người dân Nga tiếp cận và thấy được sự thật, đó là một yếu tố góp phần kết thúc chiến tranh.

Cách đây 60 năm, có một cuộc chiến tương tự đã xãy ra, một bên muốn giải phóng bên kia mặc dù bên kia không cần bị giải phóng, đó là cuộc chiến Việt Nam 1954-1975. Trong 20 năm đó, người dân Miền Nam có đời sống kinh tế cao hơn người dân Miền Bắc. Đảng cộng sản Bắc Việt lại nói là người dân Miền Nam bị đàn áp, nghèo khổ, cần thanh niên Miền Bắc đem súng đạn vào giải phóng. Người dân Miền Bắc nghe thông tin của đảng và chấp nhận điều đó.

Sau 20 năm chiến tranh, hơn 3 triệu người chết, người dân hai Miền gặp nhau, mọi người thấy ra sự thật phủ phàng. Người dân Miền Bắc, bên đi giải phóng, có ít quyền tự do và sống nghèo khổ hơn người dân Miền Nam, bên bị giải phóng. Người dân Miền Bắc không có đủ gạo, thịt để ăn, phải ăn độn thêm khoai sắn, mỗi năm chỉ may được 1 bộ quần áo, vậy mà đi vay mượn súng đạn để giải phóng người khác, thật buồn cười. Thông tin định hướng của đảng cộng sản làm cho người dân không thấy được sự thật.

Người thấy sai sự thật thì bị lường gạt, bị thiệt thòi cho mình và góp phần gây tai họa cho người khác. Nếu chúng ta thương đồng bào thì hãy giúp người dân Việt Nam được tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau để so sánh, nhìn ra sự thật, không bị thiểu số lãnh đạo lường gạt.

Trần Mai Trung
Tháng 6, 2022

27 April 2022

Chia ly vì thống nhất

Vào giữa thế kỷ 20 có 3 quốc gia bị chia đôi. Nước Đức bị chia đôi với Tây Đức theo thể chế dân chủ và Đông Đức theo thể chế cộng sản. Ở châu Á, Hàn Quốc (Triều Tiên) bị chia đôi thành Bắc Hàn theo thể chế cộng sản và Nam Hàn theo thể chế dân chủ. Việt Nam cũng bị chia đôi vào năm 1954 với Bắc Việt theo thể chế cộng sản và Nam Việt theo thể chế dân chủ. (*)

Sau khi bị chia đôi thì người dân nước Đức, Hàn Quốc, Việt Nam muốn thống nhất đất nước trở lại, đó là tình cảm tự nhiên và chính đáng. Đa số người dân muốn thống nhất trong hòa bình, một thiểu số muốn thống nhất bằng mọi giá, kể cả bằng chiến tranh.

Thống nhất trong hòa bình không gây ra chết chóc, thương tật cho con người, không tàn phá đất nước, vẫn phát triển kinh tế, cuộc sống người dân ổn định. Thống nhất bằng chiến tranh gây ra chết chóc, thương tật cho con người, có thể lên đến mấy triệu người, nó tàn phá đất nước, cuộc sống người dân bị xáo trộn, nghèo đói. Thống nhất trong hòa bình tốt hơn thống nhất bằng chiến tranh, nhưng nó khó hơn và đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

Người tài giỏi tìm cách thống nhất trong hòa bình, người tầm thường chỉ biết thống nhất bằng chiến tranh. Đảng cộng sản Bắc Việt thống nhất Việt Nam sau 20 năm chiến tranh, người Việt Nam bắn giết nhau, 3 triệu 300 ngàn người bị chết, đất nước bị bom đạn tàn phá. Chính phủ Tây Đức thống nhất nước Đức sau 45 năm hòa bình, người Đức sống bên cạnh nhau, không phân biệt kẻ thắng người thua, không có trại tù cải tạo.

Thống nhất thường đi chung với sum họp. Đất nước thống nhất, gia đình sum họp. Nhưng thống nhất bằng chiến tranh tự nó đã gây ra cảnh chia ly. 20 năm chiến tranh từ 1954 đến 1975 ở Miền Nam Việt Nam làm cho 3 triệu 300 ngàn người chết, tức là 3 triệu 300 ngàn gia đình bị chia ly. Có người nào vui sướng vì điều này?

Sau chiến tranh, đúng ra khi vũ khí buông xuống là lúc xóa bỏ hận thù. Nhưng người cộng sản vẫn căm thù những người Miền Nam đã tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hòa, chính quyền VNCH, các đảng phái không cộng sản. Đảng cộng sản bắt giam 300.000 người trong các trại tù cải tạo, làm cho 300.000 gia đình bị chia ly. Nhiều người đã chết trong tù, có người bị giam đến 17 năm sau chiến tranh. Cho đến hôm nay, đảng cộng sản vẫn không xin lỗi về việc giam giữ 300.000 người Miền Nam một cách tùy tiện và không có bản án.

Sau khi đất nước thống nhất, đúng ra tất cả công dân Việt Nam ở 2 Miền được bình đẳng với nhau, nhưng không có như vậy trong thực tế. Đảng cộng sản giành đặc quyền đặc lợi cho đảng viên, rồi đến những người làm việc cho chế độ ở Miền Bắc. Người dân Miền Nam bị xem là công dân hạng 2, không được bình đẳng trong các cơ hội làm việc và học hành, ngay cả trẻ em khi lớn lên cũng bị phân biệt đối xử vì lý lịch ... của cha mẹ.

Đảng cộng sản đòi độc quyền lãnh đạo suốt đời, cấm người dân nói ra những suy nghĩ khác với tuyên truyền của đảng. Bị cai trị bởi một chế độ độc tài, bị đối xử bất công, hơn 2 triệu người Việt Nam đành rời xa đất nước thống nhất đi tị nạn ở nước khác, thêm 2 triệu gia đình bị chia ly.

Hàn Quốc vẫn còn bị chia đôi sau 70 năm, người Hàn có muốn thống nhất đất nước không? Đa số người dân Nam Hàn muốn thống nhất trong hòa bình, chính phủ 2 Miền sẽ từ chức, người dân cả nước sẽ bầu ra một chính phủ mới qua một cuộc bầu cử tự do, có nhiều đảng tranh cử, có sự giám sát của quốc tế. Chính phủ Nam Hàn cũng muốn thống nhất trong hòa bình. Không ai biết người dân Bắc Hàn muốn gì, bởi vì rất ít truyền thông nước ngoài được vào Bắc Hàn và cũng không được tự do hỏi chuyện dân chúng ở đó. Chính phủ Bắc Hàn của đảng cộng sản thì muốn thống nhất bằng mọi cách, kể cả bằng chiến tranh, và đảng cộng sản sẽ cai trị cả nước.

Người nào cũng muốn thống nhất, nhưng sau khi Việt Nam thống nhất thì người dân Nam Hàn thấy rằng thống nhất không đơn giản chỉ là thống nhất. Thống nhất rồi cuộc sống nghèo khổ hơn trước, đất nước bị cai trị bởi một đảng độc tài, có 300.000 người bị bắt vào tù cải tạo, có 2 triệu người rời xa đất nước thống nhất đi tìm tự do. Đó có phải là cái thống nhất mà chúng ta mong muốn?

Người dân Nam Hàn có thể chọn lựa cương quyết bảo vệ một nửa phía Nam của đất nước, có một xã hội dân chủ, có nền kinh tế giàu mạnh, có nhiều hoạt động văn hóa sôi động và đa dạng. Hàn Quốc vẫn còn bị chia đôi, người Nam Hàn qua Việt Nam mở công ty, làm ông chủ. Việt Nam thống nhất, người Việt Nam đi xuất khẩu lao động qua Nam Hàn làm nhân công cho người ta.

Nam Hàn có thể để Bắc Hàn thống nhất bằng bạo lực, bằng chiến tranh, đảng cộng sản sẽ cai trị cả nước. Chịu thua thì có hòa bình nhưng sẽ bị mất nhiều thứ khác. Đảng cộng sản chỉ biết lý thuyết Mác-Lê nhưng lại muốn kiểm soát tất cả, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục. Rồi đảng tự khoe đó là mô hình ưu việt nhất thế giới mặc dù người dân Bắc Hàn vẫn nghèo khổ sau 70 năm bị đảng lãnh đạo.

Nếu ngày mai Bắc Hàn muốn thống nhất để đảng cộng sản cai trị cả nước, áp đặt các chính sách mà họ đang dùng ở Miền Bắc, người dân Nam Hàn sẽ chiến đấu chống lại để bảo vệ Miền Nam dân chủ và phồn vinh mà người Nam Hàn đang có. Khi nào 2 Miền có các điều kiện hòa hợp gần nhau thì đất nước sẽ được thống nhất trong hòa bình.

Hình ảnh Bắc Hàn và Nam Hàn ngày nay cho thấy rõ hơn lý do người dân Miền Nam Việt Nam đã chiến đấu 20 năm để bảo vệ Miền Nam, bảo vệ quyền được sống trên quê hương với tự do và bình đẳng. Thật đáng buồn là thống nhất, chia ly và độc tài đã đến chung với nhau.

Trần Mai Trung
Tháng 4, 2022

(*) Thể chế dân chủ: người dân bầu ra chính phủ điều hành đất nước.
  Thể chế cộng sản: đảng cộng sản chỉ định chính phủ quản lý đất nước.

17 March 2022

Tên đồ tể

Ngày 24-2-2022, Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội Nga xâm lăng nước Ukraine. Putin đọc một bài diễn văn dài để biện hộ cho hành động này. Ông ta nói chính quyền Ukraine là phát-xít, quân Nga đánh qua là để giải phóng nhân dân Ukraine. Ông cho rằng dân Nga, Belarus, Ukraine là một dân tộc và phải được thống nhất.

Nước Ukraine có lịch sử lâu dài và phức tạp. Con người có mặt ở Ukraine khoảng 32 ngàn năm trước Công nguyên. Vào thế kỷ thứ 6, bộ lạc Poliane sinh sống ở Ukraine. Vương triều Rurik thành lập Kyivan Rus vào thế kỷ thứ 9, bao gồm Ukraine, Belarus và phía tây nước Nga bây giờ. Cuối thế kỷ 11, Kyivan Rus suy yếu, chia làm nhiều công quốc khác nhau. Sau cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ vào thế kỷ 13, Hoàng tử Danylo Romanovych thành lập vương quốc Galicia-Volhynia ở Ukraine, tồn tại đến cuối thế kỷ 14. 

Sau đó Ukraine suy yếu, bị lệ thuộc vào các vương triều chung quanh như Lithuania, Ba Lan, Nga. Đầu năm 1917, Nga hoàng Nicholas II bị lật đổ. Ngày 23-6-1917, Ukraine tuyên bố độc lập. Tháng 12-1922, Ukraine tham gia thành lập Liên bang các Xô viết. Ngày 24-8-1991, Quốc hội Ukraine thông qua Đạo luật Độc lập, tổ chức Trưng cầu dân ý vào ngày 1-12-1991, hơn 84% người dân đi bầu và 92% bỏ phiếu ủng hộ độc lập.

Trong 30 năm từ 1991 đến nay, Ukraine đã tổ chức bầu cử Tổng thống 7 lần. Trong cuộc bầu cử năm 2019, ông Volodymyr Zelensky đã thắng phiếu đương kim Tổng thống lúc đó là ông Petro Poroshenko. Cuộc bầu cử có các tổ chức quốc tế theo dõi và cho là công bằng. Chính quyền Ukraine là do người dân bầu ra chứ không phải là phát-xít như Putin vu cáo. So sánh các cuộc bầu cử ở Ukraine và ở Nga thì các cuộc bầu cử ở Ukraine dân chủ hơn nhiều so với ở Nga.

Khi Putin ra lệnh cho 200 ngàn quân Nga xâm lăng nước Ukraine thì các Dư lợn viên của đảng cộng sản Việt Nam vỗ tay hoan hô. Họ có tính nô lệ, cái gì của anh cả Liên Xô và anh hai Trung Quốc là tốt. Họ cho rằng nước Nga là Liên Xô đã chết, họ lười biếng đọc sách nên không biết Ukraine cũng là Liên Xô trước kia. Đảng cộng sản bưng bít thông tin, không cho biết người muốn giải tán Liên Xô là Tổng thống nước Nga Boris Yelsin, và cũng ông ta đã đở đầu cho Putin lên làm Tổng thống tiếp theo. Thế giới có nhiều màu sắc, đừng bịt mắt đi theo định hướng một chiều của đảng.

Putin đang lôi kéo nước Nga vào một cuộc phiêu lưu quân sự vô định. Hơn 17.000 người dân Nga đã ký tên phản đối cuộc chiến tranh Ukraine và yêu cầu rút quân về nước. Nhiều người dân Nga đã biểu tình phản đối cuộc chiến tranh vô lý này. Trong 2 tuần đầu tiên, công an của Putin đã bắt giữ 13.000 người biểu tình. Đa số người dân không muốn chiến tranh, Putin không phải là nước Nga, Putin là người làm hại nước Nga.

Theo như tuyên truyền thì quân Nga đánh qua để giải phóng nhân dân Ukraine. Người dân Ukraine có muốn được giải phóng không? Người Ukraine đang sống bình thường trong đất nước của mình, quân Nga đem súng đạn tới giải phóng, bắn phá tan hoang khắp nơi. Trong 3 tuần đầu của cuộc chiến, 3 triệu người dân Ukraine đã bỏ nhà cửa, bỏ quê hương, chạy đi tị nạn ở nước khác. Quân giải phóng đánh tới đâu thì người dân bỏ chạy xa hơn, không muốn bị giải phóng. Nhớ lại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, quân đội cộng sản đánh tới đâu thì người dân bỏ nhà cửa, bỏ ruộng vườn chạy đi nơi khác, không muốn bị giải phóng.

Putin cho rằng dân Nga, Belarus, Ukraine là một dân tộc, như vậy người dân Ukraine cũng là đồng bào. Putin đối xử với đồng bào như thế nào? Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Putin bị thất bại, bây giờ quân đội Nga bao vây ngoài thành phố và pháo kích vào. Các cuộc bắn phá diễn ra tàn bạo và bừa bải, nhiều khu dân cư bị trúng đạn làm cho hàng ngàn thường dân thiệt mạng, nhà cửa bị phá hủy, tổ ấm của hàng vạn gia đình biến thành gạch vụn. Bom đạn là cách Putin đối xử với đồng bào.

Cơ quan tình báo Nga đã đánh giá sai về ý chí của quân đội và nhân dân Ukraine, đánh giá sai sự phản ứng của các nước Châu Âu và Hoa Kỳ, bọn tay sai Nga ở Ukraine yếu hơn như trong báo cáo. Ba tuần lễ trôi qua, với hàng ngàn xe tăng và đại pháo, quân Nga chỉ kiểm soát được ít hơn 10% lãnh thổ Ukraine. Ngày 15-3-2022, Thủ tướng các nước Ba Lan, Tiệp, Slovenia đi xe lửa từ Ba Lan đến Thủ đô Kyiv gặp Tổng thống Zelensky để bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Ukraine chống ngoại xâm.

Ông Zelensky tốt nghiệp Luật sư tại Đại học Kryvyi Rih, nhưng ông thích diễn xuất hài kịch và đóng phim nên đi theo con đường nghệ thuật. Ông cũng thành lập và làm chủ công ty phim ảnh. Putin phát động chiến tranh, Zelensky và người dân Ukraine bị bắt buộc chọn lựa, cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập hoặc là buông vũ khí đầu hàng thì bị mất chủ quyền.

Thanh niên Ukraine đã chiến đấu anh dũng, vẫn giữ được Thủ đô Kyiv và các thành phố lớn qua 3 tuần lễ. Với ưu thế về vũ khí, có thể một ngày nào đó quân Nga sẽ vào thành phố. Đây là giai đoạn 2, cuộc chiến trong thành phố sẽ diễn ra và kéo dài, sẽ lấy đi nhiều sinh mạng của cả hai bên. Nếu không may, cán cân quân sự nghiên về phía quân Nga thì người Ukraine sẽ bước qua giai đoạn 3, là kháng chiến bằng chiến tranh du kích với sự hổ trợ của các nước Châu Âu và Hoa Kỳ. Cuộc kháng chiến sẽ kéo dài 1 năm, 5 năm hoặc 10 năm cho đến khi Ukraine giành lại độc lập.

Năm 1979, Liên Xô xâm lăng nước Afghanistan. Người dân Afghanistan đã tiến hành kháng chiến bằng chiến tranh du kích với sự hổ trợ của Hoa Kỳ. 10 năm sau, Liên Xô phải rút hết quân về nước vào tháng 2-1989. Ngày nay, quân Nga xâm lăng nước Ukraine, không có chính nghĩa nên sẽ thất bại, cũng phải rút quân về nước, trả lại hòa bình cho đất nước Ukraine.

Chiến tranh Nga xâm lăng Ukraine làm lộ ra yếu điểm trong chiến lược quốc phòng của Việt Nam. Hơn 30 năm qua, đảng cộng sản Việt Nam lấy sự hổ trợ và vũ khí của Nga làm nền tảng quốc phòng. Việt Nam mua từ Nga 6 tàu ngầm Kilo-636, 32 máy bay Su-30MK, 2 khẩu đội hỏa tiển S-300. Trong khi đó, Trung Quốc mua từ Nga 10 tàu ngầm Kilo-636, 24 máy bay Su-35S mới hơn, 6 hệ thống hỏa tiển S-400. Số vũ khí Việt Nam mua của Nga không là ưu thế quân sự.

Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Putin một vài lần. Tập Cận Bình và Putin đã gặp nhau hơn 30 lần, họ ăn sinh nhật chung với nhau. Trong buổi họp báo tại Hàng Châu (TQ) ngày 5-9-2016 Putin nói: Tôi có quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập, chúng tôi ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông. Ngày 4-2-2022, trước khi xâm lăng Ukraine, Putin và Tập ra Tuyên bố chung: Tình hữu nghị giữa hai nước không có giới hạn, hợp tác với nhau không có vùng cấm.

Nếu Trung Quốc xâm lấn Việt Nam, Putin vẫn là bạn của Tập, sẽ không phản đối Trung Quốc. Putin sẽ đóng vai hiếu hòa, kêu gọi hai bên giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. Mặc kệ thằng lớn đánh thằng nhỏ u đầu chảy máu, Putin sẽ đóng vai trung lập đứng nhìn đánh nhau. Người Việt Nam ủng hộ Putin là tự bắn vào chân mình. Việt Nam cần thay đổi chiến lược quốc phòng ngay bây giờ.

Putin gây ra chiến tranh, hàng ngàn binh sĩ Nga đã chết, hàng chục ngàn người dân Ukraine đã chết, nhiều người hơn nữa bị thương tật vì chiến tranh. Các thành phố, nhà cửa bị bom đạn tàn phá, mấy triệu gia đình bị chia ly vì cái tham vọng thống nhất đế quốc Đại Nga. Putin sẽ bị phạt xuống địa ngục giống như những tên đồ tể khác.

Trần Mai Trung
Tháng 3, 2022

Bốn tốt và bốn xấu

Tập Cận Bình sang thăm Hà Nội vào giữa tháng 12-2023, nhiều lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã tới gặp Tập. Từ Tổng bí thư T...