13 June 2022

Tưởng là sự thật

Đầu tháng 4-2022, một số cơ quan truyền thông Âu Mỹ đến nước Nga tìm hiểu người dân Nga nghĩ gì về cuộc chiến tranh ở Ukraine. Thật ngạc nhiên, có nhiều người Nga đồng ý với cuộc chiến đó, họ gọi là để giải phóng nhân dân Ukraine. Nhiều người cũng hâm mộ ông Putin qua hình ảnh một sĩ quan tình báo, võ sĩ Judo, ở trần cởi ngựa.

Các cơ quan truyền thông cũng đến nước Ukraine tìm hiểu người dân nghĩ gì về cuộc chiến tranh do quân Nga gây ra. Đa số người Ukraine muốn bảo vệ nền độc lập và dân chủ mà họ đang có, không muốn bị giải phóng, mọi người chống lại quân Nga xâm lược. Putin khởi xướng chiến tranh, làm thương vong hàng vạn người Ukraine, hàng vạn binh sĩ Nga, người dân Ukraine xem Putin là kẻ xấu.

Nhân dân luôn luôn đúng, nhưng chỉ cách nhau một đường biên giới mỏng, người dân Nga và người dân Ukraine có cái nhìn khác nhau về một cuộc chiến. Người dân nào có cái nhìn đúng?

Nói đơn giản, người nào khởi xướng chiến tranh, đem quân đi xâm lược một nước khác, là sai trái. Người dân Nga tốt bụng tại sao không nhìn thấy điều đó? Nguyên nhân là thông tin bị bưng bít và định hướng. 

Chính quyền Ukraine được người dân bầu ra nhưng chế độ Putin lại nói là chính quyền phát-xít, người dân Nga nghe thông tin của chế độ và tin theo điều đó. Ba tháng qua, mấy chục Tổng thống, Thủ tướng của mấy chục quốc gia đã đến Kyiv bày tỏ tình đoàn kết với chính quyền và nhân dân Ukraine cho thấy chính quyền Ukraine không phải là phát-xít như Putin nói.

Người dân Ukraine đang sống bình an thì chế độ Putin lại nói là bị đàn áp, nghèo khổ, cần quân Nga đem súng đạn vào giải phóng. Người dân Nga nghe thông tin của chế độ và cũng tin theo điều đó. Ba tháng trôi qua, người dân Ukraine vẫn chiến đấu chống lại quân Nga chứ không muốn bị giải phóng. Quân Nga đánh tới đâu thì người dân Ukraine bỏ đi nơi khác, 14 triệu người Ukraine đã rời nơi sinh sống chạy về vùng lãnh thổ do chính quyền Ukraine kiểm soát hoặc chạy qua các nước bạn của Ukraine.

Chế độ Putin tiếp tục cách tuyên truyền của đảng cộng sản, ngăn chặn các thông tin trên thế giới vào trong nước, chỉ cho phép phổ biến những thông tin có lợi cho chính quyền, người nào phổ biến những thông tin trung thực nhưng không có lợi cho chính quyền thì bị kết tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước. Sau một thời gian, người dân sẽ nhìn các sự việc theo tuyên truyền của chế độ, tưởng là sự thật, không biết đó là mặt trái của sự thật, trái ngược với những thông tin khác.

Tội nghiệp người lính Nga, hi sinh đi giải phóng Ukraine, nếu bị chết cũng không được nhân dân Ukraine cám ơn, trái lại còn bị nhân dân Ukraine oán hận vì đã đem chiến tranh và tàn phá vào đất nước của họ. Người lính Nga chỉ được chế độ Putin vinh danh vì đã đi đánh nhau, phục vụ cho tham vọng bành trướng lãnh thổ của Putin và đám lãnh đạo Kremlin.

Nhiều quốc gia dân chủ đã giúp đỡ Ukraine về quân sự và kinh tế để bảo vệ nền độc lập. Sự giúp đỡ đó có thể nói là thành công, đã giúp nước Ukraine đứng vững. Nhưng chiến tranh sẽ tiếp tục nếu người dân Nga vẫn hiểu lầm là người Ukraine muốn được giải phóng. Việc truyền tải các thông tin trung thực, đa chiều đến người dân Nga có thể nói là chưa thành công. Các quốc gia dân chủ cần đẩy mạnh vấn đề truyền thông, giúp người dân Nga tiếp cận và thấy được sự thật, đó là một yếu tố góp phần kết thúc chiến tranh.

Cách đây 60 năm, có một cuộc chiến tương tự đã xãy ra, một bên muốn giải phóng bên kia mặc dù bên kia không cần bị giải phóng, đó là cuộc chiến Việt Nam 1954-1975. Trong 20 năm đó, người dân Miền Nam có đời sống kinh tế cao hơn người dân Miền Bắc. Đảng cộng sản Bắc Việt lại nói là người dân Miền Nam bị đàn áp, nghèo khổ, cần thanh niên Miền Bắc đem súng đạn vào giải phóng. Người dân Miền Bắc nghe thông tin của đảng và chấp nhận điều đó.

Sau 20 năm chiến tranh, hơn 3 triệu người chết, người dân hai Miền gặp nhau, mọi người thấy ra sự thật phủ phàng. Người dân Miền Bắc, bên đi giải phóng, có ít quyền tự do và sống nghèo khổ hơn người dân Miền Nam, bên bị giải phóng. Người dân Miền Bắc không có đủ gạo, thịt để ăn, phải ăn độn thêm khoai sắn, mỗi năm chỉ may được 1 bộ quần áo, vậy mà đi vay mượn súng đạn để giải phóng người khác, thật buồn cười. Thông tin định hướng của đảng cộng sản làm cho người dân không thấy được sự thật.

Người thấy sai sự thật thì bị lường gạt, bị thiệt thòi cho mình và góp phần gây tai họa cho người khác. Nếu chúng ta thương đồng bào thì hãy giúp người dân Việt Nam được tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau để so sánh, nhìn ra sự thật, không bị thiểu số lãnh đạo lường gạt.

Trần Mai Trung
Tháng 6, 2022

27 April 2022

Chia ly vì thống nhất

Vào giữa thế kỷ 20 có 3 quốc gia bị chia đôi. Nước Đức bị chia đôi với Tây Đức theo thể chế dân chủ và Đông Đức theo thể chế cộng sản. Ở châu Á, Hàn Quốc (Triều Tiên) bị chia đôi thành Bắc Hàn theo thể chế cộng sản và Nam Hàn theo thể chế dân chủ. Việt Nam cũng bị chia đôi vào năm 1954 với Bắc Việt theo thể chế cộng sản và Nam Việt theo thể chế dân chủ. (*)

Sau khi bị chia đôi thì người dân nước Đức, Hàn Quốc, Việt Nam muốn thống nhất đất nước trở lại, đó là tình cảm tự nhiên và chính đáng. Đa số người dân muốn thống nhất trong hòa bình, một thiểu số muốn thống nhất bằng mọi giá, kể cả bằng chiến tranh.

Thống nhất trong hòa bình không gây ra chết chóc, thương tật cho con người, không tàn phá đất nước, vẫn phát triển kinh tế, cuộc sống người dân ổn định. Thống nhất bằng chiến tranh gây ra chết chóc, thương tật cho con người, có thể lên đến mấy triệu người, nó tàn phá đất nước, cuộc sống người dân bị xáo trộn, nghèo đói. Thống nhất trong hòa bình tốt hơn thống nhất bằng chiến tranh, nhưng nó khó hơn và đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

Người tài giỏi tìm cách thống nhất trong hòa bình, người tầm thường chỉ biết thống nhất bằng chiến tranh. Đảng cộng sản Bắc Việt thống nhất Việt Nam sau 20 năm chiến tranh, người Việt Nam bắn giết nhau, 3 triệu 300 ngàn người bị chết, đất nước bị bom đạn tàn phá. Chính phủ Tây Đức thống nhất nước Đức sau 45 năm hòa bình, người Đức sống bên cạnh nhau, không phân biệt kẻ thắng người thua, không có trại tù cải tạo.

Thống nhất thường đi chung với sum họp. Đất nước thống nhất, gia đình sum họp. Nhưng thống nhất bằng chiến tranh tự nó đã gây ra cảnh chia ly. 20 năm chiến tranh từ 1954 đến 1975 ở Miền Nam Việt Nam làm cho 3 triệu 300 ngàn người chết, tức là 3 triệu 300 ngàn gia đình bị chia ly. Có người nào vui sướng vì điều này?

Sau chiến tranh, đúng ra khi vũ khí buông xuống là lúc xóa bỏ hận thù. Nhưng người cộng sản vẫn căm thù những người Miền Nam đã tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hòa, chính quyền VNCH, các đảng phái không cộng sản. Đảng cộng sản bắt giam 300.000 người trong các trại tù cải tạo, làm cho 300.000 gia đình bị chia ly. Nhiều người đã chết trong tù, có người bị giam đến 17 năm sau chiến tranh. Cho đến hôm nay, đảng cộng sản vẫn không xin lỗi về việc giam giữ 300.000 người Miền Nam một cách tùy tiện và không có bản án.

Sau khi đất nước thống nhất, đúng ra tất cả công dân Việt Nam ở 2 Miền được bình đẳng với nhau, nhưng không có như vậy trong thực tế. Đảng cộng sản giành đặc quyền đặc lợi cho đảng viên, rồi đến những người làm việc cho chế độ ở Miền Bắc. Người dân Miền Nam bị xem là công dân hạng 2, không được bình đẳng trong các cơ hội làm việc và học hành, ngay cả trẻ em khi lớn lên cũng bị phân biệt đối xử vì lý lịch ... của cha mẹ.

Đảng cộng sản đòi độc quyền lãnh đạo suốt đời, cấm người dân nói ra những suy nghĩ khác với tuyên truyền của đảng. Bị cai trị bởi một chế độ độc tài, bị đối xử bất công, hơn 2 triệu người Việt Nam đành rời xa đất nước thống nhất đi tị nạn ở nước khác, thêm 2 triệu gia đình bị chia ly.

Hàn Quốc vẫn còn bị chia đôi sau 70 năm, người Hàn có muốn thống nhất đất nước không? Đa số người dân Nam Hàn muốn thống nhất trong hòa bình, chính phủ 2 Miền sẽ từ chức, người dân cả nước sẽ bầu ra một chính phủ mới qua một cuộc bầu cử tự do, có nhiều đảng tranh cử, có sự giám sát của quốc tế. Chính phủ Nam Hàn cũng muốn thống nhất trong hòa bình. Không ai biết người dân Bắc Hàn muốn gì, bởi vì rất ít truyền thông nước ngoài được vào Bắc Hàn và cũng không được tự do hỏi chuyện dân chúng ở đó. Chính phủ Bắc Hàn của đảng cộng sản thì muốn thống nhất bằng mọi cách, kể cả bằng chiến tranh, và đảng cộng sản sẽ cai trị cả nước.

Người nào cũng muốn thống nhất, nhưng sau khi Việt Nam thống nhất thì người dân Nam Hàn thấy rằng thống nhất không đơn giản chỉ là thống nhất. Thống nhất rồi cuộc sống nghèo khổ hơn trước, đất nước bị cai trị bởi một đảng độc tài, có 300.000 người bị bắt vào tù cải tạo, có 2 triệu người rời xa đất nước thống nhất đi tìm tự do. Đó có phải là cái thống nhất mà chúng ta mong muốn?

Người dân Nam Hàn có thể chọn lựa cương quyết bảo vệ một nửa phía Nam của đất nước, có một xã hội dân chủ, có nền kinh tế giàu mạnh, có nhiều hoạt động văn hóa sôi động và đa dạng. Hàn Quốc vẫn còn bị chia đôi, người Nam Hàn qua Việt Nam mở công ty, làm ông chủ. Việt Nam thống nhất, người Việt Nam đi xuất khẩu lao động qua Nam Hàn làm nhân công cho người ta.

Nam Hàn có thể để Bắc Hàn thống nhất bằng bạo lực, bằng chiến tranh, đảng cộng sản sẽ cai trị cả nước. Chịu thua thì có hòa bình nhưng sẽ bị mất nhiều thứ khác. Đảng cộng sản chỉ biết lý thuyết Mác-Lê nhưng lại muốn kiểm soát tất cả, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục. Rồi đảng tự khoe đó là mô hình ưu việt nhất thế giới mặc dù người dân Bắc Hàn vẫn nghèo khổ sau 70 năm bị đảng lãnh đạo.

Nếu ngày mai Bắc Hàn muốn thống nhất để đảng cộng sản cai trị cả nước, áp đặt các chính sách mà họ đang dùng ở Miền Bắc, người dân Nam Hàn sẽ chiến đấu chống lại để bảo vệ Miền Nam dân chủ và phồn vinh mà người Nam Hàn đang có. Khi nào 2 Miền có các điều kiện hòa hợp gần nhau thì đất nước sẽ được thống nhất trong hòa bình.

Hình ảnh Bắc Hàn và Nam Hàn ngày nay cho thấy rõ hơn lý do người dân Miền Nam Việt Nam đã chiến đấu 20 năm để bảo vệ Miền Nam, bảo vệ quyền được sống trên quê hương với tự do và bình đẳng. Thật đáng buồn là thống nhất, chia ly và độc tài đã đến chung với nhau.

Trần Mai Trung
Tháng 4, 2022

(*) Thể chế dân chủ: người dân bầu ra chính phủ điều hành đất nước.
  Thể chế cộng sản: đảng cộng sản chỉ định chính phủ quản lý đất nước.

17 March 2022

Tên đồ tể

Ngày 24-2-2022, Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội Nga xâm lăng nước Ukraine. Putin đọc một bài diễn văn dài để biện hộ cho hành động này. Ông ta nói chính quyền Ukraine là phát-xít, quân Nga đánh qua là để giải phóng nhân dân Ukraine. Ông cho rằng dân Nga, Belarus, Ukraine là một dân tộc và phải được thống nhất.

Nước Ukraine có lịch sử lâu dài và phức tạp. Con người có mặt ở Ukraine khoảng 32 ngàn năm trước Công nguyên. Vào thế kỷ thứ 6, bộ lạc Poliane sinh sống ở Ukraine. Vương triều Rurik thành lập Kyivan Rus vào thế kỷ thứ 9, bao gồm Ukraine, Belarus và phía tây nước Nga bây giờ. Cuối thế kỷ 11, Kyivan Rus suy yếu, chia làm nhiều công quốc khác nhau. Sau cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ vào thế kỷ 13, Hoàng tử Danylo Romanovych thành lập vương quốc Galicia-Volhynia ở Ukraine, tồn tại đến cuối thế kỷ 14. 

Sau đó Ukraine suy yếu, bị lệ thuộc vào các vương triều chung quanh như Lithuania, Ba Lan, Nga. Đầu năm 1917, Nga hoàng Nicholas II bị lật đổ. Ngày 23-6-1917, Ukraine tuyên bố độc lập. Tháng 12-1922, Ukraine tham gia thành lập Liên bang các Xô viết. Ngày 24-8-1991, Quốc hội Ukraine thông qua Đạo luật Độc lập, tổ chức Trưng cầu dân ý vào ngày 1-12-1991, hơn 84% người dân đi bầu và 92% bỏ phiếu ủng hộ độc lập.

Trong 30 năm từ 1991 đến nay, Ukraine đã tổ chức bầu cử Tổng thống 7 lần. Trong cuộc bầu cử năm 2019, ông Volodymyr Zelensky đã thắng phiếu đương kim Tổng thống lúc đó là ông Petro Poroshenko. Cuộc bầu cử có các tổ chức quốc tế theo dõi và cho là công bằng. Chính quyền Ukraine là do người dân bầu ra chứ không phải là phát-xít như Putin vu cáo. So sánh các cuộc bầu cử ở Ukraine và ở Nga thì các cuộc bầu cử ở Ukraine dân chủ hơn nhiều so với ở Nga.

Khi Putin ra lệnh cho 200 ngàn quân Nga xâm lăng nước Ukraine thì các Dư lợn viên của đảng cộng sản Việt Nam vỗ tay hoan hô. Họ có tính nô lệ, cái gì của anh cả Liên Xô và anh hai Trung Quốc là tốt. Họ cho rằng nước Nga là Liên Xô đã chết, họ lười biếng đọc sách nên không biết Ukraine cũng là Liên Xô trước kia. Đảng cộng sản bưng bít thông tin, không cho biết người muốn giải tán Liên Xô là Tổng thống nước Nga Boris Yelsin, và cũng ông ta đã đở đầu cho Putin lên làm Tổng thống tiếp theo. Thế giới có nhiều màu sắc, đừng bịt mắt đi theo định hướng một chiều của đảng.

Putin đang lôi kéo nước Nga vào một cuộc phiêu lưu quân sự vô định. Hơn 17.000 người dân Nga đã ký tên phản đối cuộc chiến tranh Ukraine và yêu cầu rút quân về nước. Nhiều người dân Nga đã biểu tình phản đối cuộc chiến tranh vô lý này. Trong 2 tuần đầu tiên, công an của Putin đã bắt giữ 13.000 người biểu tình. Đa số người dân không muốn chiến tranh, Putin không phải là nước Nga, Putin là người làm hại nước Nga.

Theo như tuyên truyền thì quân Nga đánh qua để giải phóng nhân dân Ukraine. Người dân Ukraine có muốn được giải phóng không? Người Ukraine đang sống bình thường trong đất nước của mình, quân Nga đem súng đạn tới giải phóng, bắn phá tan hoang khắp nơi. Trong 3 tuần đầu của cuộc chiến, 3 triệu người dân Ukraine đã bỏ nhà cửa, bỏ quê hương, chạy đi tị nạn ở nước khác. Quân giải phóng đánh tới đâu thì người dân bỏ chạy xa hơn, không muốn bị giải phóng. Nhớ lại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975, quân đội cộng sản đánh tới đâu thì người dân bỏ nhà cửa, bỏ ruộng vườn chạy đi nơi khác, không muốn bị giải phóng.

Putin cho rằng dân Nga, Belarus, Ukraine là một dân tộc, như vậy người dân Ukraine cũng là đồng bào. Putin đối xử với đồng bào như thế nào? Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Putin bị thất bại, bây giờ quân đội Nga bao vây ngoài thành phố và pháo kích vào. Các cuộc bắn phá diễn ra tàn bạo và bừa bải, nhiều khu dân cư bị trúng đạn làm cho hàng ngàn thường dân thiệt mạng, nhà cửa bị phá hủy, tổ ấm của hàng vạn gia đình biến thành gạch vụn. Bom đạn là cách Putin đối xử với đồng bào.

Cơ quan tình báo Nga đã đánh giá sai về ý chí của quân đội và nhân dân Ukraine, đánh giá sai sự phản ứng của các nước Châu Âu và Hoa Kỳ, bọn tay sai Nga ở Ukraine yếu hơn như trong báo cáo. Ba tuần lễ trôi qua, với hàng ngàn xe tăng và đại pháo, quân Nga chỉ kiểm soát được ít hơn 10% lãnh thổ Ukraine. Ngày 15-3-2022, Thủ tướng các nước Ba Lan, Tiệp, Slovenia đi xe lửa từ Ba Lan đến Thủ đô Kyiv gặp Tổng thống Zelensky để bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ nhân dân Ukraine chống ngoại xâm.

Ông Zelensky tốt nghiệp Luật sư tại Đại học Kryvyi Rih, nhưng ông thích diễn xuất hài kịch và đóng phim nên đi theo con đường nghệ thuật. Ông cũng thành lập và làm chủ công ty phim ảnh. Putin phát động chiến tranh, Zelensky và người dân Ukraine bị bắt buộc chọn lựa, cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập hoặc là buông vũ khí đầu hàng thì bị mất chủ quyền.

Thanh niên Ukraine đã chiến đấu anh dũng, vẫn giữ được Thủ đô Kyiv và các thành phố lớn qua 3 tuần lễ. Với ưu thế về vũ khí, có thể một ngày nào đó quân Nga sẽ vào thành phố. Đây là giai đoạn 2, cuộc chiến trong thành phố sẽ diễn ra và kéo dài, sẽ lấy đi nhiều sinh mạng của cả hai bên. Nếu không may, cán cân quân sự nghiên về phía quân Nga thì người Ukraine sẽ bước qua giai đoạn 3, là kháng chiến bằng chiến tranh du kích với sự hổ trợ của các nước Châu Âu và Hoa Kỳ. Cuộc kháng chiến sẽ kéo dài 1 năm, 5 năm hoặc 10 năm cho đến khi Ukraine giành lại độc lập.

Năm 1979, Liên Xô xâm lăng nước Afghanistan. Người dân Afghanistan đã tiến hành kháng chiến bằng chiến tranh du kích với sự hổ trợ của Hoa Kỳ. 10 năm sau, Liên Xô phải rút hết quân về nước vào tháng 2-1989. Ngày nay, quân Nga xâm lăng nước Ukraine, không có chính nghĩa nên sẽ thất bại, cũng phải rút quân về nước, trả lại hòa bình cho đất nước Ukraine.

Chiến tranh Nga xâm lăng Ukraine làm lộ ra yếu điểm trong chiến lược quốc phòng của Việt Nam. Hơn 30 năm qua, đảng cộng sản Việt Nam lấy sự hổ trợ và vũ khí của Nga làm nền tảng quốc phòng. Việt Nam mua từ Nga 6 tàu ngầm Kilo-636, 32 máy bay Su-30MK, 2 khẩu đội hỏa tiển S-300. Trong khi đó, Trung Quốc mua từ Nga 10 tàu ngầm Kilo-636, 24 máy bay Su-35S mới hơn, 6 hệ thống hỏa tiển S-400. Số vũ khí Việt Nam mua của Nga không là ưu thế quân sự.

Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Putin một vài lần. Tập Cận Bình và Putin đã gặp nhau hơn 30 lần, họ ăn sinh nhật chung với nhau. Trong buổi họp báo tại Hàng Châu (TQ) ngày 5-9-2016 Putin nói: Tôi có quan hệ rất tốt với Chủ tịch Tập, chúng tôi ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông. Ngày 4-2-2022, trước khi xâm lăng Ukraine, Putin và Tập ra Tuyên bố chung: Tình hữu nghị giữa hai nước không có giới hạn, hợp tác với nhau không có vùng cấm.

Nếu Trung Quốc xâm lấn Việt Nam, Putin vẫn là bạn của Tập, sẽ không phản đối Trung Quốc. Putin sẽ đóng vai hiếu hòa, kêu gọi hai bên giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. Mặc kệ thằng lớn đánh thằng nhỏ u đầu chảy máu, Putin sẽ đóng vai trung lập đứng nhìn đánh nhau. Người Việt Nam ủng hộ Putin là tự bắn vào chân mình. Việt Nam cần thay đổi chiến lược quốc phòng ngay bây giờ.

Putin gây ra chiến tranh, hàng ngàn binh sĩ Nga đã chết, hàng chục ngàn người dân Ukraine đã chết, nhiều người hơn nữa bị thương tật vì chiến tranh. Các thành phố, nhà cửa bị bom đạn tàn phá, mấy triệu gia đình bị chia ly vì cái tham vọng thống nhất đế quốc Đại Nga. Putin sẽ bị phạt xuống địa ngục giống như những tên đồ tể khác.

Trần Mai Trung
Tháng 3, 2022

15 February 2022

Tưởng niệm cũng bị độc quyền

Vào thập niên 1970, các trí thức khuynh tả cho rằng sau khi nhuộm đỏ thế giới sẽ không còn chiến tranh, khi đó tất cả là cộng sản thì không còn ai đánh ai. Ngày nay thì thấy điều đó là mơ mộng. Từ khi có chế độ cộng sản thì chiến tranh không giảm bớt, các nước cộng sản (CS) cũng nghi kỵ và đánh lẫn nhau.

Liên Xô đã huấn luyện các đảng viên CS đầu tiên của Trung Quốc vào những năm 1920. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cộng sản Liên Xô viện trợ nhiều súng đạn cho cộng sản Trung Quốc đánh Quốc dân đảng. Sau khi chiếm được chính quyền thì hai đảng cộng sản Trung Quốc và Liên Xô lại thù ghét nhau. Tháng 3-1969, binh sĩ hai bên bắn nhau tại biên giới làm cho mấy trăm người chết. Mười năm sau, cộng sản Trung Quốc bắt tay với Hoa Kỳ để chống cộng sản Liên Xô.

Năm 1950, các sư đoàn 308, 312 của Việt Minh vượt biên giới sang Trung Quốc, họ được cộng sản Trung Quốc huấn luyện 3 tháng và trang bị vũ khí để đánh Pháp (*). Theo lời "mời" của đảng CS Việt Nam, 600 cố vấn Trung Quốc cũng vượt biên giới vào Việt Nam để chỉ đạo cuộc chiến và cải cách ruộng đất. Sau chiến tranh với Pháp là chiến tranh với miền Nam Việt Nam và Hoa Kỳ. Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc đóng góp súng đạn, cộng sản Việt Nam đóng góp xương máu của mấy triệu người Việt Nam. Trong chiến tranh, cộng sản Liên Xô, Việt Nam, Trung Quốc, Kampuchia hợp tác như anh em.

Sau khi nhuộm đỏ Đông Dương và có hòa bình vào năm 1975 thì cộng sản thay đổi. Cộng sản Kampuchia tấn công cộng sản Việt Nam, sát hại mấy ngàn thường dân ở An Giang. Mặc dù Việt Nam có dân số gần 10 lần Kampuchia, đảng CS Việt Nam không có khả năng giải quyết vấn đề Kampuchia trong hòa bình. Tháng 12-1978, cộng sản Việt Nam tấn công cộng sản Kampuchia, đánh tới Nam Vang và thay đổi chính quyền cộng sản Pol Pot thành cộng sản Hun Sen.

Ngày 17-2-1979, cộng sản Trung Quốc tấn công cộng sản Việt Nam. Mặc dù có nhiều dấu hiệu cảnh báo từ Bắc Kinh, Washington, đến các hoạt động thực địa của quân Trung Quốc ở vùng biên giới, các lãnh đạo đảng CS Việt Nam đã chủ quan sai lầm, vẫn cho các quân đoàn chính qui theo đuổi quân Pol Pot tới biên giới Thái Lan. Sau 5 ngày giao tranh, thị xã Lào Cai và Cao Bằng bị quân Trung Quốc đánh chiếm. Tại Lạng Sơn, Việt Nam có 2 sư đoàn chính qui phòng thủ nên giữ được đến ngày 5 tháng 3. Một ngày sau, Trung Quốc tuyên bố bắt đầu rút quân về.

Cuộc chiến Biên giới phía Bắc trong 1 tháng đã làm 100 ngàn người ở hai bên bị thương vong. Bao nhiêu đạn trong kho được Trung Quốc đem ra bắn vào đất Việt Nam, gồm 1 triệu quả đạn pháo, 55 triệu viên đạn cá nhân. Các thành phố Lạng Sơn, Cao Bằng bị tàn phá hoàn toàn. Cộng sản Trung Quốc không đánh tới Hà Nội nên cộng sản Hoàng Văn Hoan không có cơ hội thay thế cộng sản Lê Duẩn.

Ngày 16-3-1979, Trung Quốc nói là rút hết quân về nước. Cộng sản Trung Quốc là đàn anh của cộng sản Việt Nam trong việc nói để tuyên truyền chứ không thực hiện. Trong 10 năm sau đó, binh sĩ Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục đánh nhau dọc theo biên giới. Đỉnh điểm là trận Núi Đất ở Vị Xuyên, Hà Giang vào năm 1984. Năm 1979, Việt Nam kiểm soát Núi Đất. Tháng 4-1984, Trung Quốc đánh chiếm Núi Đất. Ngày 12-7-1984, Việt Nam tổ chức đánh chiếm lại nhưng thất bại, hàng ngàn binh sĩ Việt Nam chết và bị thương nằm lại đó. Hiệp định biên giới Việt-Trung năm 1999 cho Núi Đất thuộc về Trung Quốc.

Một tài liệu của Cục phòng vệ Nhật Bản cho biết tại vùng núi biên giới Hà Giang nay thuộc về Trung Quốc có một nấm mồ lớn, phía trên có nhiều tảng đá. Một sĩ quan Trung Quốc đã tham dự trận đánh ngày 12-7-1984 nói đây là nơi chôn 3.700 binh sĩ Việt Nam chết và bị thương trong trận đánh đó. Các binh sĩ đã nằm xuống trên đất mẹ nhưng 37 năm qua lại ngủ nơi xứ người. Đảng bỏ quên các bạn, cha mẹ không biết các bạn đang nằm đó, không ai đến thăm viếng.

Trong cuộc chiến Bắc-Nam 1954-1975, 1 triệu thanh niên Miền Bắc đi vào đánh nhau và chết ở Miền Nam. 46 năm sau, thân xác của 200 trăm ngàn người vẫn còn ở đâu đó trong rừng, đảng CS không làm tròn trách nhiệm với những người đã chết. Cũng trong cuộc chiến đó, 300 ngàn thanh niên Miền Nam đã hi sinh để bảo vệ tự do. Đa số được quân đội Việt Nam Cộng Hòa đưa về chôn cất ở quê nhà hoặc trong các nghĩa trang quân đội. Sau năm 1975, đảng CS muốn san bằng, xóa bỏ các nghĩa trang này. Điều đó đi ngược lại đạo lý của dân tộc Việt Nam. Đảng CS hãy quân tử lên một chút, đừng hận thù với người đã nằm xuống.

Theo sách vở thì chủ nghĩa cộng sản vô thần, xem tôn giáo là thuốc phiện, nên đảng viên coi thường chuyện mồ mã cho người qua đời. Nhưng nhìn kỹ thì thấy các lãnh đạo CS lại xem trọng mồ mã cho cá nhân họ. Lăng mộ của Bí thư Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng rộng thênh thang, từ cổng phải đi một khoảng dài mới đến mộ. Khu mộ của Đại tướng Phùng Quang Thanh ở ngoại ô Hà Nội rộng 2,5 hécta, có xây tường cao bao quanh. Khu mộ của Đại tướng công an Trần Đại Quang ở Ninh Bình được dựng lên vào năm 2018, rộng 5 hécta.

Còn mồ mã của người khác thì sao? Nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi ở Sài Gòn rộng 7,5 hécta với hàng ngàn ngôi mộ, bị cộng sản san bằng vào năm 1983. Nghĩa trang Cồn Dầu ở Đà Nẵng rộng 10 hécta với 1.500 ngôi mộ, bị cưởng chế vào năm 2010. Đảng CS cũng âm mưu xóa bỏ Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa với 16 ngàn ngôi mộ. Người cộng sản biết xây ngôi mộ cho riêng họ, mà lại đi phá bỏ mồ mả của những người khác, như vậy cộng sản là loại người gì?

Nước ta có phong tục tưởng niệm những người đã mất, nhất là những người đã hi sinh để bảo vệ đất nước. Qua các lễ tưởng niệm, con cháu tưởng nhớ người xưa và tiếp tục truyền thống hào hùng của cha ông. Người dân muốn tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ Hoàng Sa khi cộng sản Trung Quốc tấn công vào năm 1974, các chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ Biên giới phía Bắc khi cộng sản Trung Quốc tấn công vào năm 1979, các chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ Trường Sa khi cộng sản Trung Quốc tấn công vào năm 1988. Việc tưởng niệm hợp với đạo lý và hòa bình, chỉ có bọn tay sai Trung Quốc mới ngăn cản việc này.

Đảng cộng sản độc tài toàn trị, độc quyền luôn việc tưởng niệm. Giành độc quyền nhưng không tổ chức tưởng niệm! Nhân dân bỏ công sức tổ chức tưởng niệm thì đảng sai công an đến phá hoại, đàn áp. Đảng CS muốn mọi người quên các chiến sĩ đã hi sinh chống ngoại xâm phương Bắc. Tại sao? Có lẽ đảng cộng sản Việt Nam không là một đảng độc lập, nó làm theo lệnh của đàn anh ở bên kia biên giới.

Trần Mai Trung
Tháng 2, 2022

(*) Building Ho's army: Chinese military assistance to North Vietnam. Prof. Xiaobing Li

Người thương binh cô đơn

Chiến tranh tàn phá đất nước, tàn phá con người. Một trong những hậu quả xấu xí của chiến tranh là hàng triệu người bị ...