17 October 2023

Chỉ đạo từ Bắc Kinh

Một tháng trôi qua từ khi Tổng thống Biden đến Hà Nội. Thời gian tạm đủ dài để tìm hiểu Nguyễn Phú Trọng đã uống thuốc gì mà dám qua mặt Tập Cận Bình để nâng quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng cao nhất.

Mặc dù tham gia vào cuộc chiến Việt Nam ở 2 bên đối nghịch nhau, Tổng thống Richard Nixon của Hoa Kỳ và Chủ tịch Mao Trạch Đông của cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) lại bắt tay nhau ở Bắc Kinh vào năm 1972, vì quyền lợi của mỗi bên. Hoa Kỳ muốn chia rẽ khối cộng sản và muốn sử dụng nguồn nhân công giá rẻ ở Trung Quốc. Trung Cộng có xung đột biên giới với Liên Xô vào năm 1969 nên muốn có đồng minh để chống lại và muốn dựa vào Hoa Kỳ để phát triển kinh tế.

Hoa Kỳ và Trung Cộng thiết lập quan hệ ngoại giao vào đầu năm 1979. Một tháng sau, Trung Cộng cho nửa triệu lính tấn công qua Việt Nam với lý do cộng sản Việt Nam (Việt Cộng) đã cho 150 ngàn binh sĩ tấn công qua Campuchia và lật đổ chính quyền cộng sản Campuchia. Cuộc chiến biên giới phía Bắc kéo dài 1 tháng, làm cho 60 ngàn binh sĩ 2 bên bị chết, 70 ngàn bị thương.

Nhiều người đã chết vì chiến tranh với người đồng chí cộng sản ở bên kia biên giới, cộng sản 3 nước Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia thù ghét nhau. Nhưng 10 năm sau, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh của Việt Cộng và Tổng bí thư Giang Trạch Dân của Trung Cộng lại bắt tay nhau ở Thành Đô vào năm 1990, vì quyền lợi của mỗi bên. Trung Cộng có được thằng đàn em Việt Cộng, trước kia nó là đàn em của Liên Xô thì bây giờ là đàn em của Trung Cộng. Việt Cộng muốn nhảy sang dựa vào Trung Cộng để tiếp tục độc quyền cai trị nước Việt Nam khi thấy Liên Xô sắp tan rã.

Vào năm 1979, nhiều người dân Trung Quốc còn bị đói, không có đủ lương thực để ăn, đa số chỉ có vài bộ áo quần. Sau khi bắt tay với Hoa Kỳ, ngưng cung cấp súng đạn cho các đảng cộng sản ở Đông nam Á, thì Trung Quốc được nhiều công ty tư bản vào đầu tư, mở hãng xưởng, mua bán hàng hóa, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, nền kinh tế đi lên.

30 năm sau, sự cạnh tranh giữa các công ty tư bản đã biến Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, nhiều máy móc ở Âu Mỹ có các bộ phận được sản xuất ở Trung Quốc để giảm giá thành. Như một điều kỳ diệu, tổng sản lượng GDP của Trung Quốc vào năm 2010 là 6 ngàn tỉ USD, lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.

Bây giờ, các quốc gia đòi hỏi Trung Quốc phải hành xử như một cường quốc có trách nhiệm. Một lĩnh vực là cân bằng cán cân thương mại, năm 2010 Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ nhiều hơn mua từ Hoa Kỳ với chênh lệch 270 tỉ USD. Một lĩnh vực khác là công bằng trong kinh tế thị trường, Trung Quốc đã áp đặt các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Trung Quốc thì phải hợp tác và chuyển giao kỹ thuật cho công ty Trung Quốc. Một lĩnh vực nữa là phát minh khoa học và bản quyền, Trung Quốc bây giờ là cường quốc, nên có những phát minh để đóng góp với thế giới chứ không nên ăn cắp các phát minh của nước khác và sử dụng miễn phí.

10 năm trôi qua, tình trạng bất công vẫn không được cải thiện. Năm 2020, đại dịch Covid lan tràn khắp địa cầu. Mặc dù nó bắt đầu từ thành phố Vũ Hán nhưng chính quyền Trung Cộng không hợp tác với Tổ chức y tế thế giới để truy tìm nguồn gốc con virus hầu giúp ngăn chận đại dịch. Trung Cộng nghĩ rằng họ đã mạnh, muốn làm gì thì làm, không cần biết người dân trên thế giới bị thiệt hại nhiều như thế nào. 700 triệu người bị nhiễm bệnh và 7 triệu người bị chết vì Covid.

Đó là giọt nước làm tràn ly, các quốc gia đầu tư vào Trung Quốc quyết định phải chuyển chuỗi cung ứng sang các nước khác để không bị phụ thuộc vào một chế độ độc tài, tham lam và vô trách nhiệm. Có 2 nước thỏa mãn điều kiện về nhân lực là Việt Nam với 97 triệu dân và Indonesia với 270 triệu dân.

Lựa chọn đầu tiên là Việt Nam bởi vì nó có nhiều yếu tố giống Trung Quốc, mặc dù có yếu điểm là bị cai trị bởi một đảng độc tài. Các công ty tư bản đã tiếp cận và đặt vấn đề chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Người dân và doanh nghiệp rất phấn khởi, trước mắt là nó tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân và lâu dài thì nó giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội chen chân vào những kỹ nghệ mới. Một số lãnh đạo Việt Cộng cũng vui vẻ vì thấy có tiền từ bên ngoài đổ vào.

Nhưng giành miếng bánh của đàn anh thì phải xem thái độ của đàn anh như thế nào? Nhìn qua lãnh đạo Trung Cộng thì thấy họ nhăn mặt, hầm hừ. Lãnh đạo Việt Cộng, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, sợ đàn anh nên ngồi yên, không dám nhúc nhích. Ngay cả khi Phó tổng thống Kamala Harris của Hoa Kỳ đến Hà Nội vào tháng 8-2021, mời gọi nâng quan hệ Mỹ-Việt lên cao 1 bậc là Đối tác chiến lược để có thêm các công ty Hoa Kỳ vào đầu tư ở Việt Nam thì Trọng và lãnh đạo Việt Cộng cũng không dám đáp ứng.

Thấy Việt Cộng không có can đảm thành lập dây chuyền sản xuất mới để thay thế Trung Cộng, các công ty tư bản quay sang Indonesia. Đó là lựa chọn thứ 2 bởi vì Indonesia có yếu điểm là một nước Hồi giáo và không có quan hệ ngoại giao với Do Thái. Tổng thống Joko Widodo là một người có tinh thần quốc gia mạnh mẽ, chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập và không nghiên về cường quốc nào. Indonesia nhận các đầu tư để có dây chuyền sản xuất mới nhưng không đưa ra các chương trình để thu hút và hỗ trợ nó, cho nên tiến trình chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đã diễn ra chậm chạp.

Thấy Việt Nam ngồi yên, thấy Indonesia chậm chạp, Trung Cộng tin rằng họ vẫn giữ được là công xưởng của thế giới. Một số người cho rằng các công ty tư bản đã đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc nên không thể bỏ đi trong một sớm một chiều.

Tháng 2-2022, Putin cho 200 ngàn quân tấn công qua Ukraine, Putin muốn thống nhất Ukraine với nước Nga bằng vũ lực. Không có gì quí hơn độc lập, nhân dân Ukraine đã cầm súng chống lại quân xâm lược Nga. Thế giới không chấp nhận việc thay đổi biên giới bằng vũ lực nên cắt đứt các buôn bán với nước Nga. Các nước phương Tây không mua hàng hóa của Nga và nước Nga không thể mua hàng hóa của phương Tây.

Nhiều người cho rằng nếu Putin đánh thắng Ukraine thì Trung Cộng sẽ theo đó đánh chiếm Đài Loan. Thế giới sẽ phản ứng ra sao nếu ngày mai Trung Cộng tấn công Đài Loan để thống nhất bằng vũ lực? Trung Cộng sẽ bị nhiều nước cắt đứt các buôn bán, Trung Cộng không thể mua hàng hóa của phương Tây và các nước phương Tây cũng không mua hàng hóa của Trung Cộng, chuỗi cung ứng xem như bị gián đoạn.

Việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trở thành khẩn cấp, các công ty tư bản tìm đến lựa chọn thứ 3 là Ấn Độ. Với một nền kinh tế khá cao, Ấn Độ dư sức thành lập chuỗi cung ứng mới thay thế Trung Cộng. Thủ tướng Narendra Modi là một người Hindu khuynh hữu, đã thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ, tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng cũng hạn chế một số quyền tự do của người dân.

Ấn Độ là một quốc gia trung lập, đứng giữa Nga và Mỹ. Mặc dù vậy, Ấn Độ cũng có chiến tranh với Pakistan vào những năm 1947, 1965, 1971, và có chiến tranh với Trung Cộng vào những năm 1962, 1967. Không ai biết 20 năm sau Ấn Độ có thể sẽ gây vấn đề cho thế giới như Trung Cộng ngày nay hay không ?

Mặc dù Modi vẫn đang buôn bán với Putin, nhưng vì quyền lợi của mỗi bên, Tổng thống Joe Biden của Hoa Kỳ đã đón tiếp Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ trong một buổi lễ hoành tráng ở Washington DC vào tháng 6-2023. Hai bên đã ký các thỏa thuận về năng lượng, chip bán dẫn và quốc phòng. Tiến trình chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Ấn Độ bắt đầu.

Phương Tây nghi ngại Ấn Độ một thì Trung Cộng nghi ngại Ấn Độ mười. Năm 1980, dân số Trung Quốc là 1 tỉ và dân số Ấn Độ là 700 triệu. Năm 2000, dân số Trung Quốc là 1,25 tỉ và dân số Ấn Độ là 1,05 tỉ. Năm 2020, dân số Trung Quốc là 1,425 tỉ và dân số Ấn Độ là 1,40 tỉ . Năm 2023, dân số 2 nước bằng nhau. Từ năm 2024 trở đi, Ấn Độ sẽ có dân số nhiều hơn Trung Quốc.

Với sự đầu tư của phương Tây, 20 năm sau Ấn Độ sẽ có nền kinh tế mạnh như Trung Quốc. Khi đó Ấn Độ lại có dân số nhiều hơn, nếu Trung Cộng và Ấn Độ có xung đột ở biên giới thì cán cân sẽ nghiên về bên nào? Mao Trạch Đông từng nói: tôi có thể hi sinh 10 triệu người, 20 triệu người (xem sinh mạng người dân như cỏ rác) nhưng tôi sẽ thắng vì đối thủ không thể làm như vậy. Câu thần chú đó không còn linh nghiệm.

Sự góp mặt của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, làm thay đổi bàn cờ. Trung Cộng chuyển qua kế hoạch B, chỉ đạo Việt Cộng liên lạc với Hoa Kỳ để chia bớt các đầu tư vào Ấn Độ. Việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam cũng là giải pháp gây thiệt hại ít nhất cho Trung Cộng. Có lãnh đạo Việt Cộng là đàn em nên Trung Cộng có thể can thiệp vào quá trình chuyển đổi. Các công ty Trung Cộng sẽ sang mở công ty ở Việt Nam, để cho vài đảng viên Việt Cộng đứng tên làm chủ nhưng dòng tiền là của Trung Cộng.

Nếu các công ty bắt đầu xây nhà máy ở Ấn Độ thì như đinh đã đóng cột, không thể thay đổi, cho nên kế hoạch B được tiến hành gấp gáp, phổ biến đến Tổng bí thư Trọng và một vài lãnh đạo đảng rồi trực tiếp thi hành. Không có thời giờ bàn bạc với bên chính phủ nên nhiều Bộ trưởng đã ngạc nhiên khi thấy quan hệ với Hoa Kỳ được nâng lên 2 bậc. Ban thường vụ Quốc Hội thì không biết gì cho đến ngày ông Biden tới Hà Nội.

Nguyễn Phú Trọng không dám qua mặt Tập Cận Bình, Trọng nâng quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng cao nhất theo chỉ đạo từ Bắc Kinh để giúp Trung Cộng bị thiệt hại ít nhất và làm Ấn Độ chậm trở thành một đối thủ ngang tầm với Trung Cộng.

Nhờ tình thế, Việt Nam được làm người trung gian hưởng lợi. Hai đảng cộng sản sẽ họp để phân chia cái bánh đầu tư đến từ phương Tây chứ Trung Cộng không rộng rãi để Việt Nam ăn một mình. Nhân dân Việt Nam muốn được hưởng các thành quả của sự đầu tư. Hãy chờ xem lãnh đạo Việt Cộng sẽ có can đảm đứng với nhân dân Việt Nam hay là vì muốn duy trì địa vị cá nhân nên để đàn anh Trung Cộng xen vào chỉ đạo và cướp đi các quyền lợi.

Trần Mai Trung
Tháng 10-2023

Người thương binh cô đơn

Chiến tranh tàn phá đất nước, tàn phá con người. Một trong những hậu quả xấu xí của chiến tranh là hàng triệu người bị ...