11 March 2019

Gạc Ma, hẹn tái ngộ.

Từ ngàn xưa, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về nước Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn đã cho thuyền ra kiểm soát và để lại dấu tích chủ quyền ở đó. Thời thuộc Pháp, chính quyền Pháp quản lý hai quần đảo này. Sau 1954, VN làm chủ các đảo ở HS và TS. Tháng 1 năm 1974, hải quân Trung Quốc xâm chiếm giành quyền quần đảo HS, hải quân Việt Nam chống lại nhưng bị thua, 75 chiến sĩ VN đã hi sinh cho Hoàng Sa. Tháng 3 năm 1988, hải quân TQ xâm chiếm giành quyền các đảo ở TS, hải quân VN chống lại nhưng TQ chiếm được một số đảo, 64 chiến sĩ VN đã hi sinh cho Trường Sa.

Hàng năm, nhân dân VN tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh tại Hoàng Sa, Trường Sa, chiến trường biên giới phía Bắc. Điều này hợp với phong tục của người VN, người sống vẫn nhớ đến những người đã hi sinh cho đất nước, cũng như nhắc nhở chúng ta Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Việc tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào đã hi sinh là việc làm tự nhiên, hòa bình. Các quốc gia khác cũng có những buổi lễ tương tự như vậy. Thường thì chính quyền tổ chức buổi lễ và mời nhân dân tham dự. Đôi khi người dân nhớ bạn bè, chiến hửu, đồng chí, đồng bào, đứng ra tổ chức buổi lễ và mời đại diện chính quyền tham dự. Mục đích là tưởng nhớ những người đã hi sinh để chúng ta có cuộc sống hôm nay.

Trong nhiều năm qua, không hiểu vì lý do gì, chính quyền CSVN không tổ chức các buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh tại Hoàng Sa, Trường Sa, biên giới phía Bắc chống quân TQ năm 1979. Tệ hơn nữa, khi nhân dân bỏ công sức tổ chức buổi lễ thì chính quyền ngăn cấm, bắt bớ. Tại sao?

Việc không tưởng nhớ những người đã hi sinh cho đất nước tạo nên một di sản xấu cho các thế hệ mai sau, con cháu sẽ không nhớ đến các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước. Nếu chúng ta sẽ phải chiến đấu để bảo vệ tổ quốc, ai là người xung phong lên phía trước khi biết sự hi sinh sẽ không được công nhận và bị lãng quên.

Các chiến sĩ đã hi sinh để giữ các đảo của VN, nhân dân vẫn nhớ sự hi sinh đó, muốn tưởng niệm các chiến sĩ. Đảng CS lại không muốn tưởng niệm các chiến sĩ, đối xử như vậy là không đẹp với hải quân, với quân đội. Nếu có chuyện gì xảy ra trong tương lai, quân đội sẽ đứng bên cạnh nhân dân, vì nhân dân công nhận các hi sinh của quân đội, còn đảng CS thì muốn quên giống như vắt chanh bỏ vỏ.

Trên trường quốc tế, trong các quan hệ ngoại giao, chính quyền CSTQ và CSVN luôn luôn đòi hỏi Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Việc tổ chức lễ tưởng niệm ở trong nước là việc nội bộ, tại sao có sự can thiệp của TQ ở đây? Có người nói, có lẽ đảng CSVN sợ người bạn TQ buồn? Có người nói, có thể đảng CSVN không được cấp trên CSTQ cho phép? Không biết cái nào đúng.

Trong gia đình, sau khi ông bà, cha mẹ mất đi. Hàng năm vào ngày giỗ, con cháu tụ họp tưởng nhớ ông bà, cha mẹ, ghi nhớ công ơn sinh thành. Trên bình diện quốc gia, chúng ta tưởng niệm các anh hùng, liệt nữ, chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh cho đất nước. Đó là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Trễ còn hơn không, hy vọng là lần này, các đảng viên CS sẽ đứng tưởng niệm chung với nhân dân VN, và cùng nói: Gạc Ma, hẹn tái ngộ.

Trần Mai Trung
Tháng 3, 2019

No comments:

Post a Comment

Lê Chiêu Thống năm 2024

Sau khi giành được chức Thường trực ban bí thư, Lương Cường vẫn chưa thỏa mãn, muốn leo cao lên nữa, bậc thang tiếp theo là c...